Tự chứng nhận xuất xứ: Doanh nghiệp lo ít, mừng nhiều

13:45 | 23/06/2014 Print
(TBTCO)- Áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ giúp DN tăng tính chủ động, tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí. Tuy nhiên, để thực hiện tốt cơ chế này DN buộc phải nâng cao nhận thức, nắm rõ quy định về quy tắc xuất xứ của các nước tham gia ký hiệp định thương mại với Việt Nam.

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ (VCCI) chia sẻ với phóng viên TBTCVN bên lề Hội thảo "Tự chứng nhận xuất xứ" do Bộ Công thương phối hợp với VCCI tổ chức tại Hà Nội

* Khi được quyền tự chứng nhận xuất xứ DN sẽ có lợi ích gì, thưa bà?

- Việc thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) thực chất chính là hình thức chuyển hoạt động chứng nhận xuất xứ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hay còn gọi là dịch vụ công) sang cho khối DN tư nhân, nhà sản xuất và xuất khẩu, thậm chí là cả nhập khẩu có thể tự chứng nhận xuất xứ cho lô hàng hóa của mình. Chính vì vậy, áp dụng cơ chế này sẽ giúp DN tăng tính chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ để chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Tự chứng nhận xuất xứ: Doanh nghiệp lo ít, mừng nhiều
Khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu không TCNXX thì DN sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vì không nhận được những ưu đãi thuế quan . Bà Trần Thị Thu Hương

Trước đây, DN phải chuẩn bị giấy tờ, hoàn tất hồ sơ và đưa đến một cơ quan có thẩm quyền để được chứng nhận, nhưng khi thực hiện cơ chế TCNXX, hồ sơ của DN sẽ là cam kết về chất lượng sản phẩm giữa DN với nhà nhập khẩu mà không cần cơ quan nào chứng nhận. Như vậy, DN tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhân lực, công sức và chi phí.

Bên cạnh đó, áp dụng cơ chế TCNXX sẽ nâng cao trách nhiệm của DN xuất khẩu, giúp DN chủ động cũng như tận dụng tốt hơn nhưng lợi thế về ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang và sắp tham gia.

Trong thời gian qua, việc thực hiện cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) theo chế độ ưu đãi trong các hiệp định thương mại của các DN còn rất thấp. Tuy nhiên, khi chuyển sang ứng dụng cơ chế TCNXX thì lượng C/O do các DN sử dụng sẽ tăng lên rất nhiều, hoạt động thương mại sẽ thuận tiện hơn, tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu trong nước.

* Vậy khi thực hiện cơ chế TCNXX, DN sẽ vấp phải khó khăn gì?

- Trên thực tế, việc thực hiện giấy CNXX hàng hóa không xa lạ gì với các DN Việt Nam, nhất là DN xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề là DN hay làm giấy chứng nhận xuất xứ ở mức độ “bị động” chứ không chủ động. Tức là họ chỉ thực hiện xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) khi nhà nhập khẩu yêu cầu mà không thấy rõ lợi ích và ưu đãi của C/O.

Chính vì vây, DN không hoàn toàn chủ động trong việc này nên khi tiếp cận với cơ chế TCNXX thì sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, theo tôi, DN sẽ không khó khăn nhiều khi thực hiện thủ tục TCNXX.

cơ chế TCNXX
Nếu không TCNXX thì DN sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vì không nhận được những ưu đãi thuế quan. Ảnh: T.L

* Một số DN băn khoăn, theo quy định, chỉ có DN lớn mới đủ điều kiện được TCNXX cho mình còn DN nhỏ dường như đã bị loại trừ trong cuộc chơi này, ý kiến của bà như thế nào?

- Khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu không TCNXX thì DN sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vì không nhận được những ưu đãi thuế quan. Đây cũng là một vấn đề khiến chúng tôi trăn trở. Vì nước ta có khoảng 900.000 DN nhỏ và vừa, xuất khẩu không cao và khó được chứng thực khả năng TCNXX.

Chính vì vậy, trong quá trình áp dụng ưu đãi thuế quan phổ cập và ưu đãi thuế quan theo các FTA, chúng ta đã kiến nghị ưu đãi đối với cả các lô hàng nhỏ để đảm bảo cho các DN nhỏ với lượng xuất khẩu thấp không bị thiệt so với các DN lớn có khả năng TCNXX.

* Bà có lời khuyên gì cho DN để thực hiện hiệu quả cơ chế TCNXX nhằm tăng cường xuất khẩu khi nước ta tham gia các Hiệp định thương mại trong thời gian tới?

- Thực hiện cơ chế TCNXX thì DN phải tự chịu trách nhiệm về chứng minh nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm, vì vậy, DN phải nắm rõ quy định về quy tắc xuất xứ của các nước tham gia ký hiệp định thương mại với Việt Nam.

Để thực hiện tốt cơ chế này DN buộc phải nâng cao nhận thức, hiểu biết về quy định, quy tắc xuất xứ của các nước và cách tính toán như thế nào để sản phẩm đáp ứng được quy định từng nước. Bởi lẽ, mỗi một sản phẩm khác nhau thì quy định về quy tắc xuất xứ khác nhau, mỗi nước khác nhau thì đưa ra quy định khác nhau.

Hiện nay các cơ quan chức năng đang trong quá trình xây dựng bộ cơ sở pháp lý và trình tự thủ tục để thực hiện cơ chế TCNXX. Và theo như lộ trình, năm 2015 Việt Nam sẽ tham gia vào cơ chế TCNXX cùng với Cộng đồng kinh tế Asean. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, DN nên đầu tư, tìm hiểu và chuẩn bị những hành trang cần thiết để thực hiện hiệu quả cơ chế TCNXX nhằm tăng cường xuất khẩu khi nước ta tham gia các Hiệp định thương mại.

* Xin cảm ơn bà!

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam