Thời điểm chín muồi để áp dụng các biện pháp bình ổn giá sữa

08:58 | 09/05/2014 Print
(TBTCVN) - “Bộ Tài chính cho rằng đã đến thời điểm chín muồi cho việc Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

Ông Nghĩa cũng khẳng định, căn cứ trên cơ sở quy định hiện hành, có thể tin tưởng ở tính khả thi của biện pháp bình ổn giá sữa.

* Tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2014, Chính phủ đã thống nhất áp dụng hai biện pháp chính là thực hiện việc đăng ký giá và thực hiện giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Vậy Bộ Tài chính căn cứ quy định nào để xác định giá tối đa cho sản phẩm này, thưa ông?

- Để thực hiện chủ trương phê duyệt của Chính phủ tại Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 2/5/2014 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2014, hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai việc xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trong đó, dự kiến quy định theo hướng xác định giá tối đa đối với một số sản phẩm có tính chất làm chuẩn và hướng dẫn xây dựng phương pháp xác định giá tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn lại.

Phương pháp xác định giá tối đa sẽ thực hiện dựa trên Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/2/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ. Với cách tính giá tối đa đó, cả người tiêu dùng và người dân cùng có lợi mà doanh nghiệp (DN) vừa có điều kiện thực hiện trên cơ sở tiết kiệm, đảm bảo được hoạt động kinh doanh bình thường.

Thời điểm chín muồi để áp dụng các biện pháp bình ổn giá sữa
Với thực tế giá sữa và quản lý nhà nước về giá sữa, Bộ Tài chính cho rằng đã đến thời điểm chín muồi cho việc Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa

* Đó là tính toán của cơ quan quản lý, tuy nhiên dư luận vẫn có ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của biện pháp này, nhất là trong bối cảnh thị trường sữa vẫn còn nhiều bất cập như hiện nay, thưa ông?

- Căn cứ trên cơ sở quy định hiện hành, chúng tôi cho rằng có thể tin tưởng ở tính khả thi của biện pháp bình ổn giá sữa lần này trên các khía cạnh được phân tích như sau:

Trước hết, biện pháp bình ổn giá đã được tính toán, cân nhắc kỹ trên phương diện có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Khoản 2, Điều 15 Luật Giá đã quy định sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Các biện pháp bình ổn giá sẽ áp dụng là căn cứ vào quy định tại Khoản 4 và Khoản7 Điều 17 Luật Giá. Về mặt thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá, tại Khoản 1 Điều 18 đã giao Chính phủ quyết định chủ trương, Chính phủ cũng đã thảo luận và thống nhất cao.

Trên phương diện pháp luật quốc tế, qua rà soát các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO, Khoản 9 Điều III Hiệp định GATT không cấm việc áp dụng biện pháp kiểm soát giá nội địa với điều kiện không phân biệt đối xử và hạn chế tối đa bất lợi đối với lợi ích quốc gia thành viên WTO.

Tính khả thi của biện pháp bình ổn giá này còn thể hiện ở thời điểm áp dụng. Hiện nay, với thực tế giá sữa và quản lý nhà nước về giá sữa, Bộ Tài chính cho rằng đã đến thời điểm chín muồi cho việc Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Kết quả thanh tra đối với các DN sản xuất – kinh doanh cho thấy, DN còn có nhiều khả năng để vừa tiết giảm chi phí, vừa duy trì được lợi nhuận để góp phần bình ổn giá sản phẩm này, không ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh bình thường của DN.

Về phương diện nhận thức, tính khả thi của việc thực hiện chủ trương bình ổn giá còn ở sự thống nhất trong nhận thức của toàn xã hội, từ người dân đến các DN. Trong đó, các cơ quan truyền thông có vai trò rất quan trọng. Cần xác định đây sẽ là sự chung tay góp sức để cùng thực hiện biện pháp bình ổn giá, vì tương lai con em chúng ta.

Đồng thời, bên cạnh các biện pháp bình ổn giá, Nhà nước sẽ có những biện pháp quản lý thích hợp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) để việc lưu thông sản phẩm sữa trên thị trường vừa tuân thủ quy định về giá tối đa, vừa đảm bảo được chất lượng của sản phẩm sữa, đảm bảo tính vững chắc của biện pháp bình ổn giá.

với thực tế giá sữa và quản lý nhà nước về giá sữa, Bộ Tài chính cho rằng đã đến thời điểm chín muồi cho việc Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi
Với các biện pháp bình ổn giá, việc quản lý sẽ thống nhất, tạo được mặt bằng bình ổn, khắc phục tình trạng giá sữa leo thang trong thời gian vừa qua.

* Ông đánh giá thế nào về hiệu ứng của việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa tới người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung?

- Về hiệu ứng của việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa thì nhìn chung sẽ tác động tích cực trong việc bình ổn giá đối với các sản phẩm sữa trên thị trường.

Người tiêu dùng, với việc giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được bình ổn giá sẽ có lòng tin ở vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với thị trường. Trên góc độ toàn xã hội, với các biện pháp bình ổn giá, việc quản lý sẽ thống nhất, tạo được mặt bằng bình ổn, khắc phục tình trạng giá sữa leo thang trong thời gian vừa qua mà vẫn đảm bảo sản xuất kinh doanh bình thường của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

* Vậy những công việc tiếp theo sẽ được Bộ Tài chính triển khai là gì, thưa ông?

- Có nhiều công việc Bộ Tài chính đã và đang triển khai để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 29 của Chính phủ. Trong đó có việc tiếp tục nắm bắt tình hình giá cả để việc ban hành giá tối đa có cơ sở và hướng dẫn xây dựng giá tối đa đảm bảo hợp lý, chính xác theo đúng phương pháp đã quy định trong các văn bản pháp luật.

Tiếp theo đó là phải xây dựng và ban hành các văn bản triển khai các biện pháp bình ổn giá. Ngoài Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn phải có các văn bản hướng dẫn đồng bộ khác như hướng dẫn tiếp nhận đề nghị về giá tối đa và hồ sơ đăng ký giá, tiếp nhận đăng ký giá. Yêu cầu đặt ra là phải đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, còn phải đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của toàn xã hội từ DN đến người tiêu dùng để chung tay góp sức cùng với cơ quan quản lý giá các cấp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam