Đã mua tạm trữ 743 nghìn tấn gạo

13:28 | 16/04/2014 Print
Theo ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 13/4 các doanh nghiệp đã mua được 743.000 tấn gạo, đạt 74,3% số lượng 1 triệu tấn gạo tạm trữ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

xuất khẩu gạo

Xuất khẩu khả quan

Theo ông Nguyễn Hùng Linh, sau khi có Quyết định của Thủ tướng, VFA đã triển khai phân bổ chỉ tiêu tạm trữ cho 133 doanh nghiệp xuất khẩu gạo để mua gạo tạm trữ. Đến nay, lượng gạo mua tạm trữ của doanh nghiệp khá ổn định và đạt 743.000 tấn sau mấy tuần triển khai.

Ông Nguyễn Hùng Linh cũng cho biết, tính đến ngày 13/4, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 1,4 triệu tấn. Dự kiến đến hết tháng 4, Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm khoảng 600.000 tấn, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt khoảng 2 triệu tấn.

Trong những ngày đầu tháng 4, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu lên đến 2,5 triệu tấn. Thông tin mới nhất, vào ngày 15/4, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trúng thầu 800.000 tấn gạo 15% tấm trong buổi đấu giá ở Philippines. Thời gian giao hàng từ tháng 5 đến tháng 8.

“Chúng tôi tin tưởng trong năm nay, mục tiêu xuất khẩu được 6,5-7 triệu tấn gạo (chính ngạch) là đạt được, chưa kể một lượng gạo xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc”, ông Nguyễn Hùng Linh nói.

Vẫn còn cơ hội

Theo VFA, tính đến 4/4, Ấn Độ trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với số lượng đạt 2,44 triệu tấn, tiếp theo là Thái Lan với 2,22 triệu tấn, còn Pakistan là 1,05 triệu tấn, đứng sau Việt Nam. Điều đáng nói là dù Ấn Độ xuất khẩu số lượng gạo nhiều nhất trong số các nước trong khu vực nhưng giá gạo trung bình của nước này lại cao nhất (405 USD/tấn), tiếp theo là của Pakistan 390 USD/tấn, Thái Lan 365 USD/tấn.

VFA cho biết, hiện Thái Lan đang còn tồn kho khoảng 10 triệu tấn gạo và muốn bán nhanh do những lo ngại về chất lượng, phần khác là đang cần có khoảng 20 tỉ bath ( khoảng 619 triệu USD) để trả cho Bộ Tài chính nước này trước ngày 31/5.

Thời gian tới, Thái Lan có thể sẽ ký hợp đồng với chính phủ các nước để bán gạo. Cụ thể, Mỹ có kế hoạch mua 1 triệu tấn gạo của Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia cũng đang có kế hoạch mua cùng lúc 600.000 tấn. Và nhiều khả năng sau hợp đồng này Trung Quốc sẽ mua thêm 1 triệu tấn gạo tồn kho của Thái.

Như vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn khi thị trường chiếm gần 50% lượng gạo xuất khẩu trong năm 2013 (gồm chính ngạch và tiểu ngạch) đang chuyển hướng sang Thái Lan.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, đó chỉ là trên lý thuyết, còn Việt Nam có khoảng cách địa lý gần, giá gạo cũng như chất lượng gạo tốt hoặc tương đương của Thái Lan nên phía Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam như một lựa chọn chính.

“Những hợp đồng mà Trung Quốc mua từ Thái Lan là hợp đồng ký giữa hai chính phủ, trong khi đó, nước này phải nhập đến 4 triệu tấn gạo trong năm thị trường 2014-2015, tức là còn khoảng 2 triệu tấn gạo được doanh nghiệp nhập về nên không quá lo lắng”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo giấu tên nói.

Ngoài ra, Indonesia, một trong những thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam, trong năm nay nhiều khả năng nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Để giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chủ động trong việc đàm phán hợp đồng, ông Linh cho biết, trong nhiệm kỳ làm chủ tịch VFA, ông sẽ dành mọi nguồn lực để phát triển cánh đồng mẫu lớn giúp doanh nghiệp sản xuất được gạo chất lượng cao để cạnh tranh với phân khúc này vốn đang nằm trong tay các doanh nghiệp Thái Lan.

Bên cạnh đó, VFA sẽ tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại để tiếp thị gạo chất lượng cao cho các thị trường lâu nay chủ yếu mua gạo của Thái Lan, Ấn Độ. “Một khi Việt Nam sản xuất được những tấn gạo thơm, chất lượng tốt thì chúng ta chẳng lo gì không có thị trường”, ông Nguyễn Hùng Linh khẳng định./.

Theo VPG

Theo VPG

© Thời báo Tài chính Việt Nam