Cuối quý 1, sản xuất đã lấy lại động lực

14:32 | 01/04/2014 Print
Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại được động lực vào cuối quý 1/2014. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng nhanh hơn so với tháng trước và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại.

PMI

Đây là nhận định của ngân hàng HSBC trong báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2014 được công bố ngày 1/4.

Chỉ số PMI tăng từ 51 điểm tháng 2 lên 51,3 điểm trong tháng 3 cho thấy một mức cải thiện vừa phải về các điều kiện kinh doanh và ghi nhận sự cải thiện trong bảy tháng liên tiếp.

Điểm đáng chú ý của tháng 3 là số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh nhất trong năm tháng với sự cải thiện chung về nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trong tháng 3 sau khi giảm nhẹ trong tháng trước.

Sản lượng tăng đã giúp các công ty giải quyết lượng công việc tồn đọng. Tuy nhiên, việc làm tại các công ty sản xuất đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2013, mặc dù tốc độ giảm việc làm cũng chỉ là nhỏ. Các DN được khảo sát cho biết nguyên nhân chính dẫn đến giảm số lượng nhân sự là nhân viên bỏ đi tìm việc nơi khác.

Bất chấp việc chi phí đầu vào tiếp tục tăng, trong tháng 3 các nhà sản xuất đã giảm nhẹ giá đầu ra trước áp lực cạnh tranh mạnh mẽ.

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, chuyên viên kinh tế của Ngân hàng HSBC cho rằng mức tăng sản lượng của lĩnh vực sản xuất phản ánh thành tích xuất sắc của Việt Nam về xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu đến các đối tác trong khu vực, nơi mà tình trạng đình trệ của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu.

Trong khi đó, tình trạng giảm việc làm và mức tăng chi phí đầu vào phản ánh những nút thắt của nền kinh tế: một sự mất cân xứng giữa nhu cầu và nguồn cung lao động có kỹ năng và tốc độ cải cách lĩnh vực tài chính còn chậm chạp, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm áp lực giá cả…/.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam