Cái tên Ukraine vẫn tiếp tục ám ảnh biểu đồ giá vàng thế giới

17:54 | 23/03/2014 Print
Tuần qua (17-22/3/2013) giá vàng trong nước tiếp tục đánh mất 360 ngàn đồng/lượng so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước. Chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước tuần này lại kéo doãng ra gần 900 ngàn đồng/lượng so với tuần trước và đang chênh ở mức gần 2 triệu đồng/lượng.

gia vang tuan toi

Vàng JSC chốt giá niêm yết giao dịch ở phiên giao dịch cuối tuần – lúc 10h45 ngày 22/3, đứng ở mức 36,04 triệu đồng (bán ra) và 35,98 triệu đồng/lượng (mua vào), giảm 10 ngàn đồng/lượng so với giá cuối ngày thứ 6 và tính chung cả tuần sụt giảm 360 ngàn đồng/lượng so với mức giá cuối tuần trước.

Trong tuần qua, vàng JSC có thời điểm giao dịch ở mức giá cao nhất (sáng 17/3) là 36,48 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 36,42 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Mức giá giao dịch thấp nhất trong tuần qua của vàng JSC là vào ngày 20/3 với giá 35,94 triệu đồng/lượng bán ra và 35,87 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào.

Nhìn vào biểu đồ giao dịch của giá vàng trong nước tuần qua chứng kiến có sự biến động khá mạnh, mức giá cao nhất trong tuần so với mức giá thấp nhất trong tuần đã chênh nhau tới 540 ngàn đồng/lượng. Đây là một sự biến động giá khá lớn trong một tuần giao dịch của giá vàng trong nước.

Từ đầu năm 2014 đến nay, so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước biến động tuy cùng chiều hướng, nhưng biên độ tăng giảm ít hơn. Vì vậy, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế được thu hẹp khi xu hướng vàng thế giới tăng cao, ngược lại khi giá vàng thế giới giảm xuống thì mức chênh lệch giá này lại bị kéo doãng ra.

Hiện tại, giá vàng thế giới qui đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá ngân hàng thương mại là khoảng 34 triệu đồng – chênh lệch so với giá vàng JSC khoảng 2 triệu đồng/lượng.

gia vang tuan qua
Diễn biến giá vàng JSC tuần từ 17 - 22/3. Nguồn JSC

Giá vàng thế giới trong tuần qua đã giảm khá mạnh so với tuần trước. Tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) phiên 21/3, giá vàng thuộc hợp đồng giao tháng 4/2014 tăng 5,5 USD lên 1.336 USD/ounce.

Theo thống kê sơ bộ của hãng tin Reuters, khối lượng giao dịch trong phiên cuối tuần cao hơn khoảng 10% so với mức trung bình của 30 ngày qua. Giá vàng phiên cuối tuần tuy đã có sự phục hồi trở lại, nhưng tính chung cả tuần qua vẫn giảm tới 3,1% giá trị.

Sự hồi phục của giá vàng cuối tuần là do sự tác động của của thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh tiếng về khả năng nâng lãi suất trong 6 tháng tới. Cụ thể, hôm thứ 5 vừa qua, Chủ tịch Fed cho biết sẽ dừng chiến dịch mua trái phiếu khổng lồ của mình vào mùa Thu tới và trong vòng 6 tháng sau đó có thể sẽ tăng lãi suất cho vay. Tuyên bố này hiện đang làm xôn xao thị trường tài chính lớn nhất thế giới và giá chứng khoán, trái phiếu Mỹ đã đồng loạt sụt giảm.

Theo Bill O'Neill, cộng tác viên của công ty đầu tư hàng hóa LOGIC Advisors, nếu FED tăng lãi suất nhanh hơn tiên lượng của thị trường, chắc chắn sẽ gây tác động xấu đối với giá vàng.

Sự hồi phục của giá vàng phiên cuối tuần cũng còn được phân tích là nhờ sự hậu thuẫn tích cực của đồng USD yếu. Cùng với đó là tình hình quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây cũng làm khiến nhu cầu tìm đến vàng tăng nhẹ.

Trong tuần tới, giới phân tích thị trường vàng cũng ghi nhận yếu tố hỗ trợ tích cực và có tính chi phối quyết định cho giá vàng tuần tới – đó là các động thái xung quanh tình hình căng thẳng giữa Nga với Mỹ và Phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine.

Edward Meir - nhà tư vấn hàng hóa cơ bản thuộc INTL FCStone - cho rằng, các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây nếu tiếp tục được bổ sung, có thể sẽ gây phương hại đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh như thế, vai trò kênh đầu tư an toàn của vàng có thể được phát huy mạnh…

Song xét về góc độ kỹ thuật, giới phân tích cho rằng, áp lực giảm giá đối với vàng đang tăng lên do kim loại quý không vượt được ngưỡng 1.400 USD/ ounce trong tuần này.

Trong cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia về dự báo giá vàng tuần tới do trang tin chuyên kim loại quý Kitco News thực hiện, có 6/18 ý kiến dự báo giá tăng, 8 ý kiến cho rằng giá sẽ giảm, và 4 ý kiến dự báo giá đi ngang.

Trong những diễn biến liên quan cũng cho thấy, vàng cũng đang chịu những sức ép giảm giá khá hiện thực hơn bên phía hỗ trợ tăng giá như: lạm phát thấp ở Mỹ; dấu hiệu nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ làm cho giá vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó làm giảm sức mua vàng của thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới này…

Như vậy, qua phân tích của các nhà nghiên cứu thị trường cho thấy, giá vàng tuần tới nếu xét ở các góc độ kỹ thuật và các cơ sở kinh tế khác, thì đang bị chi phối theo xu hướng đi xuống.

Nhưng ở góc độ khác cũng khó đoán định hơn, đó là tác động của những động thái chính trị xung quanh cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và các nước Phương Tây xung quanh vấn đề ở Ukraine.

Theo đó, nếu động thái của Mỹ và Châu Âu tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và ngược lại Nga cũng sẽ tung các đòn đáp trả, mà biện pháp kinh tế của Nga có thể áp dụng ngay để trả đũa như tăng giá khí đốt bán cho Ukraine, các khách hàng Châu Âu… thì khi đó các thị trường tài chính khu vực và thế giới sẽ bị tác động ảnh hưởng xấu và giá vàng lúc đó lại sẽ được hỗ trợ đi lên mạnh mẽ. Khi đó, các yếu tố về kinh tế cản trở giá vàng sẽ khó phát huy tác dụng.

Giới phân tích cho dù đã đưa ra rất nhiều các cơ sở tác động để đoán định, nhưng các ý kiến phân tích đều luôn coi trọng yếu tố địa chính trị của Ukraine và cũng coi đây là một yếu mang tính quyết định để “vẽ đường đi” của giá vàng trong thời gian tới.

Trong khi giới bình luận quốc tế cho rằng, vấn đề xung quanh Ukraine hiện nay không dễ kết thúc sớm, bởi đây là vấn đề mang tính chất cuộc đối đầu khẳng định vị thế ảnh hưởng trên trường quốc tế giữa Nga với Mỹ và các nước đồng minh phương Tây - một cuộc đối đầu trực diện trên nhiều mặt và được coi là căng thẳng nhất sau thời kỳ "Chiến tranh lạnh" tới nay. Cuộc đối đầu đã được mở màn và sẽ khó có chuyện bên nào dễ dàng chịu lép vế ở "thế cờ" hiện nay./.

Đỗ Minh

Đỗ Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam