Sức mua giảm, tồn kho tăng: Áp lực cho tăng trưởng sản xuất

17:11 | 06/03/2014 Print
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính chung 2 tháng đầu năm 2014, mặc dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên, tình hình tiêu thụ giảm, hàng tồn kho có xu hướng tăng. Điều này gây áp lực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong những tháng tiếp theo.

Công nghiệp tăng chưa đạt kỳ vọng

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2 của Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ Công thương cho biết, mặc dù thời điểm tháng 2/2014 trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán (5 ngày), nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành vẫn tăng 15,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2014, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Nhìn vào chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, chúng ta thấy đã có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này còn thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

thép
Sản lượng thép thô hai tháng đầu năm giảm 26,5% so với cùng kỳ. Ảnh: S.T

Theo báo cáo của Bộ Công thương, những ngành công nghiệp có chỉ số tăng cao lại chủ yếu là các nhóm thuộc ngành công nghiệp nhẹ, như: sản xuất bia, may mặc, sản xuất thuốc lá… Điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế - thời điểm Tết Nguyên đán, người dân có nhu cầu mua sắm các sản phẩm tiêu dùng, hàng thực phẩm lớn nhất trong năm.

Trái ngược với tình hình tăng trưởng của ngành công nghiệp nhẹ, các nhóm thuộc ngành công nghiệp nặng lại có chỉ số tăng thấp, thậm chí chỉ số sản xuất của nhiều ngành còn giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như: khai thác than giảm 9,3%, dầu thô giảm 2,3%, sản xuất thiết bị điện các loại giảm 17,1%; sản xuất ôtô, xe máy 7,2%...

Sức mua giảm, hàng tồn kho tăng

Cũng theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm tháng 1 giảm 2,8% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm là: chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 2,7%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm giảm 1,5%, sản xuất xi măng giảm 9,4%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 20,8%...

Do tình hình tiêu thụ giảm, nên tồn kho lại có xu hướng tăng. Tính đến thời điểm tháng 2/2014, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho cao như: chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 24,9%, sản xuất đường tăng 50,7%, sản xuất mì các loại tăng đến 74%,...

Trước đó, tại hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014” do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế năm 2014 mặc dù có những dấu hiệu khả quan, về cơ bản giải quyết được những khó khăn, chính sách điều hành dần đi vào thực tế, những điểm nghẽn của nền kinh tế đang được giải quyết theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 có khả năng chỉ đạt khoảng 5,67% (chỉ tiêu 5,8%).

Như vậy, với tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp chậm, kèm theo đó là tình hình tiêu thụ giảm, hàng tồn kho có xu hướng tăng lên như hiện nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch thì những tháng tiếp theo sản xuất công nghiệp cần phải thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn nữa mới có thể đạt kế hoạch đề ra./.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam