Năm 2014: Những giải pháp vàng giúp doanh nghiệp

14:52 | 02/02/2014 Print
Đến hết năm 2013, DN vẫn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, nhất là DNNVV. Việc tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu để vượt khó đang trở nên bức thiết. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV về vấn đề này.

Năm 2014: DN chưa hết khó khăn

*Thưa ông, đến hết năm 2013, mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng DN vẫn rất khó khăn để tiếp cận dòng vốn vay cho sản xuất kinh doanh. Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng này?

- Từ những ách tắc của năm 2012, đến nay vẫn tồn tại ba vấn đề chính làm cho DN khó tiếp cận dòng vốn.

Thứ nhất, tiêu chuẩn vay của hệ thống ngân hàng (NH) chưa hạ xuống và các DN, nhất là DNNVV vẫn thiếu các điều kiện để được vay. Ví dụ như nợ xấu, nợ thuế, nợ quá hạn…, vẫn còn tồn tại. Trong khi DN chưa giải quyết được những vấn đề này mà NH lại chưa hạ chuẩn vay thì điểm “gặp” giữa NH và DN không thể có. Mặc dù, ai cũng biết, hiện tại NH không thiếu vốn.

Thứ hai là những vướng mắc về mặt nghiệp vụ, tiêu chí, tiêu chuẩn vẫn còn. Thí dụ như nợ xấu đã tích cực giải quyết nhưng chưa phải là nhanh, cho nên những DN còn nợ xấu, nợ quá hạn thì khả năng được tái vay vốn khó.

Năm 2014: Những giải pháp vàng giúp doanh nghiệp
Cần cải thiện hoạt động cũng như mối quan hệ giữa DN và NH...để tạo nên những yếu tố tích cực khiến cho khả năng tiếp cận vốn của DN cao hơn... TS. Cao Sỹ Kiêm

Thứ ba là các điều kiện của nền kinh tế vẫn chưa được cơ cấu lại, nhất là các tổng công ty, các tập đoàn; sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ chéo (cho vay chéo lẫn nhau) chưa giải quyết được... vẫn gây khó khăn cho DN.

Vì vậy, muốn cứu DN, giúp DN tiếp cận được dòng vốn thì phải giải quyết được ba yếu tố nêu trên.

* Với ba nguyên nhân cơ bản vừa nêu, theo ông, năm 2014 những rào cản này sẽ như thế nào?

- Tôi cho rằng, năm 2014, tình trạng này vẫn tồn tại, khó khăn vẫn còn nguyên.

DN vẫn sẽ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn với những điểm cơ bản như vi phạm tiêu chuẩn vay, sức cầu yếu nên khả năng sản xuất kinh doanh chưa thể thoát ra được…

Nếu không giải quyết được vấn đề này một cách rõ ràng và có kết quả thì chắc chắn khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn sẽ tiếp tục khó khăn.

Cần cải thiện mối quan hệ giữa NH và DN

* Như vậy theo ông, năm 2014, cần có những giải pháp cụ thể nào để DN thoát khỏi khó khăn và tiếp cận được nguồn vốn?

- Kết thúc năm 2013, chúng ta thấy nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực, DN đang có tín hiệu tốt.

Ví dụ như sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu phục hồi, vì thế cần tạo nên sức mua mới, tạo nên cầu mới. Cả sức mua trực tiếp và gián tiếp để cho tiêu thụ hàng hóa tăng lên. Bên cạnh đó, những yêu cầu mà DN cần để phát triển sản xuất thì chúng ta nên đáp ứng.

Song song với việc đó, phải tập trung xử lý tốt nợ xấu và từng bước khai thông thị trường bất động sản.

Mặt khác, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, thương mại, thông qua xuất nhập khẩu, thông qua việc chống dàn trải trong đầu tư, thông qua các chủ trương giảm thuế, giảm bội chi ngân sách hoặc phấn đấu bội chi ngân sách ở mức thấp, giải quyết vấn đề về chất lượng tín dụng…

Năm 2014: Những giải pháp vàng giúp doanh nghiệp
Phát hành cổ phiếu, trái phiếu là hình thức rất tốt để thị trường vốn hoạt động tích cực và được phát huy mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, cần cải thiện hoạt động cũng như mối quan hệ giữa DN và NH. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ tạo nên những yếu tố tích cực khiến cho khả năng tiếp cận vốn của DN cao hơn.

* Ông vừa đề cập đến việc “cải thiện hoạt động cũng như mối quan hệ giữa DN và NH”. Xin ông cho biết giải pháp cụ thể hơn để giải quyết hai vấn đề này?

- Đối với DN, nhân cơ hội này phải tự đánh giá mình, để xác định điểm mạnh, điểm yếu cũng như những mặt cần phát huy phát triển, những vấn đề cần ngăn chặn, điều chỉnh để cho sản xuất kinh doanh của mình đi vào những nguyên tắc của thị trường.

Bên cạnh đó, DN phải tính toán giảm chi phí, nâng cao trình độ quản lý, quản trị, tự tìm hiểu thị trường, phát triển thị trường, nâng cao chất lượng và thương hiệu… Đây là những yếu tố không chỉ giúp DN vượt qua khó khăn và còn phát triển bền vững.

Đặc biệt, những yếu tố là điều kiện để vay vốn thì bản thân DN phải khắc phục ở mức cao nhất. Đã đến lúc DN phải tự đánh giá, tự điều chỉnh và tự thích nghi để tồn tại.

Đối với NH, cũng nhân cơ hội này, nên rà soát lại tất cả dịch vụ phục vụ của mình, mặt gì chưa đáp ứng tốt, mặt gì cần phát huy phát triển…

Hơn ai hết, NH phải có sự phối hợp chặt chẽ với khách hàng, tìm hiểu sâu sát và đánh giá chính xác thực trạng của DN, tư vấn cho DN về cách làm ăn. Và tất nhiên khi tư vấn cho họ hướng thoát khỏi khó khăn, cách làm ăn thì phải có sự hỗ trợ và phối hợp với họ để cùng làm.

Tất cả những yếu tố này sẽ tạo nên mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, DN và NH sẽ cùng đồng nhịp, đồng điệu, khó khăn của DN sẽ được giải quyết nhanh hơn, từ đó kể cả DN và NH sẽ cùng đi vào kinh tế thị trường bền vững hơn cũng như khả năng hội nhập tốt hơn.

Phát hành cổ phiếu, trái phiếu giúp thị trường vốn hoạt động tích cực

* Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2014, khi sức khỏe của DN phục hồi tốt hơn thì một trong những giải pháp để huy động vốn hữu hiệu là phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Xin ông cho biết nhận định của mình về những thuận lợi của dòng vốn đến từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu?

- Đây là hình thức rất tốt để cho thị trường vốn hoạt động một cách tích cực và phát huy một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cổ phiếu, trái phiếu chính là một sự huy động sức dân, để tạo nguồn vốn cùng với hệ thống vốn của NH. Nếu huy động được nhiều, tức là tạo nên được khả năng khai thác vốn thị trường rất tốt.

Điều này đòi hỏi các DN phải nâng cao trình độ quản lý, quản trị để đưa vốn vào những chỗ mà khả năng phát huy hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm, tạo sức mua, tạo ra khả năng tăng trưởng. Tất cả điều này đồng thời sẽ tạo ra khả năng kiềm chế lạm phát. Và cũng là các yếu tố không thể thiếu được trong hoạt động của các DN trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam