Đón đợi làn gió mới từ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

09:48 | 23/01/2014 Print
Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN đúng lộ trình sẽ đem lại những hàng hoá mới, chất lượng và đa dạng hơn cho thị trường. Đây là điều các nhà đầu tư rất mong đợi.

Vietnam Airlines sẽ sớm được cổ phần hóa trong năm 2014.

Đây là quan điểm của ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc quỹ đầu tư SGI Capital trong cuộc trao đổi với PV TBTCVN về sự quan tâm của giới đầu tư đối với quá trình CPH các DNNN.

* Thưa ông, là một nhà đầu tư, ông quan tâm thế nào đến quá trình tái cơ cấu DNNN ? Giới đầu tư sẽ hưởng lợi gì nếu quá trình này được đẩy nhanh hơn?

- Tôi cũng như các nhà đầu tư khác, rất quan tâm tới tiến độ tái cơ cấu hay cụ thể hơn là cổ phần hóa (CPH) các DNNN có diễn ra đúng như lộ trình hay không. Khi các DNNN được CPH thì hàng hoá đầu tư trên thị trường sẽ dồi dào, phong phú hơn. Cách đây 5, 7 năm đã có một trào lưu CPH các DN từ rất sớm như Vinamilk, FPT, REE… tạo nên một làn sóng tươi mới trên thị trường đầu tư, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nếu như sắp tới chúng ta lại làm được việc đó một lần nữa, tức là tái cơ cấu và CPH các tổng công ty, tập đoàn mà thực ra chúng ta đã có lộ trình từ rất lâu thì tôi tin tưởng rằng, điều này sẽ đem lại một làn gió mới, đưa những hàng hoá mới, chất lượng và đa dạng hơn cho thị trường. Dưới góc độ nhà đầu tư, đó là điều rất được mong đợi.

* Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể tham gia như thế nào để tạo hiệu ứng cho quá trình CPH này?

- Đây là vấn đề phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ. Dưới góc độ những thành viên tham gia thị trường, chúng tôi chỉ có thể tham vấn về lợi ích và mong muốn của các thành phần tham gia thị trường có tiếng nói góp ý cho các cơ quan lãnh đạo về sự cần thiết, cấp bách của việc CPH các DN.

Việc sớm CPH và niêm yết sẽ tạo hiệu ứng là cả thị trường tham gia cùng với các cơ quan quản lý để giám sát hoạt động của các tổ chức niêm yết, làm tổ chức đó hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn.

Đón đợi làn gió mới từ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
 Việc sớm CPH và niêm yết sẽ tạo hiệu ứng là cả thị trường tham gia cùng với các cơ quan quản lý để giám sát hoạt động của các tổ chức niêm yết, làm tổ chức đó hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn.   Ông Lê Chí Phúc

* Theo ông đâu là trở lực chính trong vấn đề trì trệ về CPH?

- Một trở lực khá lớn là sự ảm đạm hiện nay của thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế. Khoảng 2, 3 năm trở lại đây, khi một mặt hàng được đưa ra đấu giá thì số lượng người tham gia đấu giá tương đối hạn chế, chính vì vậy mức độ thành công, giá thu về không cao, làm giảm động lực của đơn vị đứng ra CPH.

Thứ hai là áp lực khi phải minh bạch, phải tham gia một cuộc chơi có nhiều luật lệ về quản trị cần tuân thủ, do đó làm thay đổi thói quen, cách quản lý cũng như vận hành, chiến lược, cung cách làm ăn của DN.

Thay đổi đó là một trở lực rất lớn, không phải bất cứ một lãnh đạo DN nào cũng sẵn sàng.

* Ở góc độ nhà đầu tư, ông có sẵn sàng tham gia vào quá trình CPH các DNNN hay không?

- Chúng tôi rất sẵn sàng với việc đó. Như tôi đã nói, đó là một cơ hội đầu tư, mỗi nhà đầu tư sẽ nhìn nhận, đánh giá cơ hội đó. Giá các DN được mang ra đấu giá, CPH ở mức độ nào thì các tổ chức sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau và chúng tôi cũng vậy.

Chúng tôi sẽ đánh giá từng trường hợp một xem đó có phải là cơ hội hấp dẫn để tham gia đầu tư hay không. Nhưng xét về góc độ quan tâm thì chắc chắn là sự quan tâm rất lớn.

* Cũng liên quan đến tái cơ cấu DN, xin hỏi ông đánh giá thế nào về việc chính phủ Mỹ đầu tư vào General Motors 50 tỷ USD và sau đó thoái vốn với khoản lỗ 10 tỷ USD? Điều đó có được gọi là hiệu quả hay không?

- Khi chính phủ Mỹ đưa ra gói cứu trợ đó thì tôi cho rằng họ không đặt nặng vấn đề phải có lãi sau khi thoái vốn. Đó chỉ là một tác động trực tiếp trên số tiền bỏ ra. Còn tác động gián tiếp là ổn định thị trường, ổn định việc làm cho hàng triệu người lao động, ổn định niềm tin cho nhà đầu tư và giới đầu tư nói chung.

Con số lợi thực sự của việc đó rất khó đo đếm, và tôi nghĩ nó lớn hơn nhiều so với con số 10 tỷ USD mà chính phủ Mỹ đã chịu thiệt trong phi vụ đó.

Chúng ta thấy rằng nếu hệ thống tài chính, hệ thống các DN lúc đó mà tê liệt và sụp đổ theo làn sóng như vậy thì sẽ dẫn đến những đổ vỡ lớn hơn nhiều, có thể đến hàng ngàn, hàng trăm tỷ USD phải bỏ ra để phục hồi thị trường, đưa nó trở lại hoạt động bình thường. Đó có thể là một khoản lỗ trên sổ sách, nhưng khi đánh giá chính sách tôi cho rằng phải nhìn toàn diện trên mọi góc độ. Và tôi cho rằng đó là một quyết định thành công của chính phủ Mỹ.

* Xin cảm ơn ông./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam