Ngành dịch vụ kho vận sẽ là động lực tăng trưởng mới?

14:48 | 10/01/2014 Print
Theo Ngân hàng Thế giới, khi những động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đang dần cạn kiệt thì xây dựng ngành dịch vụ kho vận thương mại và vận tải hàng hoá cạnh tranh hơn có thể trở thành một nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Cạn kiệt động lực tăng trưởng

Nghiên cứu của WB cho thấy, kết quả tăng trưởng vững chắc trong 20 năm qua của Việt Nam chủ yếu là nhờ sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng lao động và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang các lĩnh vực sản xuất, chế biến, dịch vụ có năng suất cao hơn.

Tuy vậy, bên cạnh những thành công, kinh tế xã hội của Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức cả ngắn hạn và dài hạn. Kể từ thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng năm 2008, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn do nguồn vốn nước ngoài giảm sút, thị trường xuất khẩu thu hẹp và trở nên cạnh tranh hơn. Sự sụt giảm đà tăng trưởng kinh tế gần đây cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc tăng cường sức bền của nền kinh tế.

Vướng mắc của Việt Nam hiện nay là cả hai động lực chính của tăng trưởng trong thời gian qua (gia tăng lực lượng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa ngành) đều đang cạn kiệt và cần phải được thay thế bằng cách nâng cao năng suất trong từng ngành.

kho van

Cải thiện chất lượng kho vận sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: ĐT

Ngành kho vận là một động lực tăng trưởng mới?

WB cho rằng, xây dựng ngành dịch vụ kho vận thương mại với năng lực cạnh tranh cao hơn có thể là một động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong thời gian tới của Việt Nam nhờ tác động tích cực đến năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Một hệ thống vận tải và kho vận có hiệu quả hơn sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc nâng cao năng suất trong thời gian tới. Qua việc nâng cao tính tin cậy của chuỗi cung ứng và tăng cường hệ thống vận tải và kho vận sẽ giúp các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần, các cơ quan quản lý thương mại giảm thiểu những trì hoãn có thể tránh được, từ đó làm giảm chi phí kinh doanh và tạo điều kiện cho Việt Nam trong việc hấp thu nhu cầu thị trường thế giới, thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm.

Bên cạnh đó, cải thiện hiệu quả của ngành kho vận cũng phù hợp với định hướng dài hạn về thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có tỷ trọng kho vận đặc biệt cao do hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu cao. Ví dụ, ước tính cho thấy 70-80% giá trị hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam là giá trị nguyên liệu, phụ kiện nhập khẩu. Con số tương ứng của mặt hàng giày dép xuất khẩu là 50%.

Làm gì để ngành dịch vụ kho vận phát triển?

Tuy nhiên, qua tổng hợp các nguồn số liệu của WB có thể thấy chi phí kho vận của Việt Nam hiện nay còn cao hơn các nước trong khu vực do sự thiếu ổn định trong chuỗi cung ứng.

Vì thế, WB khuyến nghị một số giải pháp chính nhằm nâng cao tính hiệu quả, chi phí hoạt động kho vận ở Việt Nam. Đó là, giảm thiểu thủ tục giấy tờ trong quy trình thông quan, nghiệp vụ xuất nhập khẩu; Tăng cường liên kết giữa các khu vực ở xa với các cảng nước sâu ở các cửa ngõ miền Nam và miền Bắc.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các hãng quốc tế tham gia thị trường dịch vụ giao nhận kho vận bên thứ ba, khuyến khích phối hợp giữa DN trong và ngoài nước tham gia thị trường. Thúc đẩy sự cân bằng cung cầu một cách bền vững hơn trong ngành vận tải đường bộ.

Theo ông Luis Blancas, chuyên gia giao thông của WB, để khắc phục các vấn đề hiện nay trong ngành kho vận thì cần có sự phối hợp đa ngành chặt chẽ, nhất là các ngành Công an, Giao thông vận tải, Hải quan…, cũng như một số yếu tố hành vi đòi hỏi phải tăng cường về thể chế.

“Đây là những giải pháp đồng bộ chứ không chỉ là việc cung cấp những cơ sở vật chất rời rạc” – ông Blancas nhấn mạnh./.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam