Đầu tư ra nước ngoài: Nhiều cơ hội bỏ lỡ chỉ vì yếu ngoại ngữ

23:06 | 19/12/2013 Print
Nhiều dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài khá thành công và mang lại hiệu quả, thể hiện ở việc mở rộng địa bàn đầu tư. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư chỉ vì năng lực chuyên môn hạn chế, thiếu ngoại ngữ.

Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, một trong số ít DN đầu tư khá hiệu quả ra nước ngoài. Năm 2013, DN này đã mở rộng đầu tư sang các nước Châu Phi. Ảnh TL.

Xu thế đầu tư ra nước ngoài ngày càng mở rộng

Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng với 99 dự án, tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD (chiếm 13,3% về số dự án và 46% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, thủy sản chế biến với 80 dự án, tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD (chiếm 10,8% số dự án và 12,6% tổng vốn đầu tư); công nghiệp điện đứng thứ ba với 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 12,1%.

Theo báo cáo của các Tham tán thương mại ở nước ngoài, hiện nay các DN Việt Nam không chỉ tập trung đầu tư vào các nước láng giềng, quen thuộc như: Lào, Campuchia hay Nga mà phát triển ra khu vực Châu Phi, Châu Mỹ, thậm chí cả những nước kinh tế phát triển như Ô-xtrây-li-a, Mỹ, Singapore, Nhật Bản…

Tính đến nay đã có 742 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài với tổng số vốn đạt 15,5 tỷ đồng. Các DN Việt Nam đã đầu tư ra 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, Lào đứng vị trí thứ nhất (227 dự án), với tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỷ USD. Campuchia đứng vị trí thứ 2 (129 dự án), tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,7 tỷ USD. Tiếp theo là Liên bang Nga, chiếm 15,2% vốn đầu tư; Venezuela, 11,8% vốn đầu tư...

Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã mang lại doanh thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao vị thế hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là một số dự án đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông… Các hoạt động này cũng đã giúp cho việc hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có năng lực đàm phán trong đấu thầu quốc tế (ngành dầu khí, xây dựng), trong liên doanh với nước ngoài để tổ chức thực hiện các dự án hợp tác đầu tư.

Vẫn bỏ lỡ nhiều cơ hội

Bên cạnh những thành công nêu trên, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng còn bộc lộ những hạn chế. Có rất nhiều nguyên nhân khiến hiệu quả các dự án chưa hiệu quả, trước hết đó là hành lang pháp lý đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chưa hoàn chỉnh, thường đi chậm so với thực tế, do đó chưa phát huy một cách mạnh mẽ đến sự phát triển của hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cũng còn một số hạn chế do ở một số nơi, vai trò của đại sứ, tham tán thương mại chưa phát huy hết vai trò, nhiệm vụ của mình. Công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan đại sứ, tham tán thương mại nhiều nơi chưa gắn kết, chưa hết trách nhiệm. Do vậy nhà đầu tư còn thiếu thông tin về thị trường cũng như cơ chế, chính sách của nước mà doanh nghiệp đầu tư.

Chính vì thế không ít trường hợp nhà đầu tư có tiềm lực, có mong muốn đầu tư vươn ra thị trường quốc tế, nhưng lại không nắm bắt được các cơ hội, cũng như chưa xác định đúng đâu là thị trường tiềm năng...

Ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc Sở Công thương Nghệ An chia sẻ rằng, có một thực tế hiện nay đó là các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả DN trên địa bàn tỉnh Nghệ An rất ít khi liên hệ với Sở Công thương về nhu cầu xúc tiến đầu tư trực tiếp ở nước ngoài. Các DN có nhu cầu xuất khẩu, hoặc muốn đầu tư ra nước ngoài thường chủ động tìm kiếm thông tin và trực tiếp liên hệ với đối tác, chứ ít khi thông qua Sở.

Ý kiến của ông Tịnh cũng giống với nhận định của ông Nguyễn Ngọc Hải - Tham Tán thương mại tại Iran. Ông Hải cho rằng công tác xúc tiến thương mại của các địa phương hiện nay làm chưa tốt, cộng với năng lực chuyên môn hạn chế, không nói được ngoại ngữ nên hạn chế trong giao tiếp, tìm kiếm thông tin, do đó bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư.

"Có những DN khi giới thiệu với chúng tôi rất hoành tráng, nhưng khi đối tác gọi điện thoại về thì nhân viên nghe máy không giao tiếp được. Chính bản thân tôi cũng đã gặp trường hợp như vậy, nhiều khi rất ức chế. Và như thế là DN đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư chỉ vì thiếu ngoại ngữ. Rất đáng tiếc", ông Hải chia sẻ./.

Hạnh Chi

Hạnh Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam