Tái cơ cấu DNNN: Phải áp đặt từ trên xuống và phải có tiền

13:48 | 05/12/2013 Print
Điểm mấu chốt để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là phải áp đặt từ trên xuống, không để các tập đoàn muốn làm như nào là làm. Vấn đề thứ hai là phải có tiền để tái cơ cấu.

Đây là nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi trao đổi với PV về quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cụ thể là tái cơ cấu DNNN.

vinashin

* Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu DNNN nói riêng đã triển khai từ năm 2012. Ông đánh giá thế nào về tiến độ thực hiện quá trình này, đặc biệt là với các DNNN?

- Tính từ hội nghị trung ương 3 cuối năm 2011 đến nay, quá trình này đã triển khai được 2 năm. Tuy nhiên, đến nay tiến độ vẫn rất chậm. Đối với khu vực DN, chúng ta chọn tái cơ cấu khu vực DN nói chung, nhưng trọng điểm là khu vực DNNN, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty. Ngay cả khi chọn trục đột phá tương đối hẹp như vậy thì đến giờ chúng ta cũng chưa triển khai được điều gì thật sự mang tính thực tiễn, mới cơ bản dừng lại ở mấy chục đề án đã được Chính phủ phê duyệt.

Quá trình tái cơ cấu diễn ra chưa có những bước tiến như chúng ta muốn, tức là bước tiến có ý nghĩa chiến lược. Quá trình cải cách khu vực DNNN theo hướng CPH cũng diễn ra rất chậm. Trong khi đó, 2 - 3 năm vừa qua, trừ một số tập đoàn làm ăn theo đúng kiểu thị trường như dệt may, cao su… là có hiệu quả, còn đa số các tập đoàn khác trong khu vực nhà nước đều có vấn đề. Thậm chí vấn đề rất nghiêm trọng như lỗ, nợ, cạnh tranh kém… Nợ ở khu vực này theo báo cáo Chính phủ lên đến 1,3 triệu tỷ, tương đương 5% GDP. Nếu chúng ta không xử lý ráo riết vấn đề này, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng.

* Trong quá trình này, các DN mới đề xuất phương án tái cơ cấu, ông đánh giá thế nào về đề án mà các DN đưa ra?

Tái cơ cấu DNNN: Phải áp đặt từ trên xuống và phải có tiền
Theo tôi, điểm mấu chốt ở đây là khuôn khổ để tái cơ cấu phải áp đặt, từ trên xuống, không để các tập đoàn muốn làm như nào là làm. Và vấn đề thứ hai là phải có tiền. PGS.TS Trần Đình Thiên

- Tôi không đọc hết các đề án, nhưng có thể hiểu cách tiếp cận các đề án về mặt logic. Từng tập đoàn, tổng công ty được Chính phủ yêu cầu là xây dựng cho mình đề án tái cơ cấu, chủ yếu là sắp xếp lại vốn, xử lý nợ nần. Cách tiếp cận để từng tập đoàn dựng lên việc mình phải làm, tự thu xếp vấn đề của mình thì khó triệt để.

Có tập đoàn mạnh, có tập đoàn yếu, trong khi chuẩn mực chung, khuôn khổ chung để tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là các tập đoàn chưa được định rõ.

Thứ hai là tái cơ cấu tập đoàn rất tốn kém. Phải mất chi phí xếp đặt lại và xử lý những vấn đề cơ cấu, ví dụ như nợ xấu, điều chuyển ngành nghề. Để xử lý triệt để tái cơ cấu tập đoàn phải có chi phí, thậm chí chi phí rất lớn.

Câu hỏi là chi phí ở đâu ra, ai làm, chưa trả lời được. Về nguyên tắc, tập đoàn nhà nước nợ nần như vậy, không trả được, thì để làm được việc đó chỉ có nhà nước, mà ngân sách thì đang khó khăn.

Vì thế, theo tôi, điểm mấu chốt ở đây là khuôn khổ để tái cơ cấu phải áp đặt, từ trên xuống, không để các tập đoàn muốn làm như nào là làm. Và vấn đề thứ hai là phải có tiền.

* Vậy theo ông, điểm mấu chốt căn bản nhất của 3 lĩnh vực tái cơ cấu là gì?

- Tôi cho rằng, để làm được 3 lĩnh vực trọng điểm trên thì phải xử lý một trục rất cơ bản, mấu chốt là chuyển toàn bộ hệ thống giá sang giá thị trường. Trên thị trường, yếu tố điều tiết cơ cấu quan trọng nhất là cơ chế vận hành giá cả. Hiện nay, chúng ta vẫn nói cơ bản là giá thị trường, thì cũng đúng vậy. Nhưng còn một số ít loại giá chưa theo thị trường là giá năng lượng, giá đất, giá vốn và tiền lương.

Đất là nguồn lực đầu vào, phải được tính giá thị trường. Giá vốn là lãi suất, với đối ngoại thì đó là tỷ giá. Và giá sức lao động là tiền lương, nhất là lương trong khu vực nhà nước. Mấy loại giá cơ bản đó thì lại không thị trường.

Các loại giá năng lượng như giá điện, giá than, giá xăng dầu vẫn chưa thị trường, nhà nước phải khống chế. Không dám cho ra thị trường vì rủi ro quá, nhưng giữ lại cũng rủi ro. Giá đất cũng vẫn chưa thị trường khi giá đền bù thấp, giá đầu cơ cao nên mới “sập tiệm” như hiện nay.

Một giá nữa cực kỳ quan trọng là giá tiền. Tiền là một nửa của thị trường, một bên là hàng hóa, một bên là tiền. Lạm phát bao năm lên cao nhưng giá tiền Việt Nam theo tỷ giá hối đoái rất cứng, méo mó.

Bốn loại giá nền tảng này, tuy chỉ 4 loại nhưng quyết định toàn bộ cấu trúc về hệ thống giá. Nếu chúng ta không xử lý vấn đề này thì không thể tái cơ cấu được. Bởi đây là trục điều chỉnh chính, kể cả với tái cơ cấu đầu tư công. Khi đó mới có chuẩn mực để chọn dự án.

Với tái cơ cấu DNNN, nếu không có giá chuẩn làm sao tái cơ cấu. Với lĩnh vực ngân hàng cũng vậy, lãi suất, tỷ giá, nói ổn định thế thôi, nhưng cũng phải thấy mặt bên kia của sự ổn định là đang rất căng, làm cơ cấu kinh tế méo mó. Vì thế, trước tiên đi vào tái cơ cấu phải điều chỉnh trục cơ cấu tổng quát là hệ thống giá. Trên cơ sở đó sẽ bàn các chương trình cụ thể khác. Có như thế mới có triển vọng được.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam