Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp Việt đang mất dần vị thế

17:05 | 13/11/2013 Print
Sự đổ bộ của các nhà bán lẻ nước ngoài thời gian qua đang khiến các nhà bán lẻ Việt Nam mất dần lợi thế của mình. Theo lộ trình, đến năm 2015 sẽ mở cửa hoàn toàn. Nếu các DN Việt không có chiến lược ngay từ bây giờ, rất có thể sẽ thua ngay trên sân nhà.

Cạnh tranh không cân sức

Buổi giao lưu trực tuyến “Thị trường bán lẻ Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Báo Công thương tổ chức sáng 13/11 đã thu hút được sự quan tâm của báo chí cũng như đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội như: Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp.

Ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, các nhà phân phối nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam tương đối mạnh. Họ có tiềm lực về kinh tế cũng như kinh nghiệm lâu đời. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà bán lẻ Việt Nam.

Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp Việt đang mất dần vị thế
Nhiều ý kiến cho rằng các DN bán lẻ nội đang mất dần lợi thế. Ảnh: M.N

Theo ông Năm, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó, các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm khoảng 40%. “Tương quan lực lượng giữa DN trong nước và DN nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ tương đối cao”, ông Năm nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan lại cho rằng, vấn đề trên không đáng lo ngại, dù bà Loan thừa nhận các DN bán lẻ nước ngoài đang áp đảo.

“Ý kiến cho rằng các nhà bán lẻ nước ngoài mạnh khiến thị phần của DN nội bị thu hẹp, chúng tôi không đồng tình. Tôi cho rằng thị phần của DN nội đang mở rộng và có nhiều cơ hội phát triển. Vì thế, không nên quá bi quan với các nhận định thị trường bị mất vào tay DN bán lẻ nước ngoài”, bà Loan nói.

'Chỉ liên kết thôi chưa đủ...'

Tại buổi giao lưu, nhiều ý kiến thừa nhận rằng, các nhà bán lẻ Việt Nam đang mất dần lợi thế của mình. Nếu mỗi DN không đưa ra được những chiến lược kinh doanh hợp lý thì rất có thể sẽ thua ngay trên sân nhà. Và một trong những giải pháp được đưa ra là các DN nội cần phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam (Hệ thống siêu thị Fivimart) cho rằng, không chỉ đề cập đến vấn đề liên kết giữa các DN mà chính bản thân mỗi DN cũng cần phải xây dựng chiến lược liên kết với nhà sản xuất. Bởi vì, sự liên kết này mang lại lợi ích cho cả 2 bên.

“Tôi cho rằng mối liên kết này là rất quan trọng, người bán hàng là cầu nối đưa hàng hóa tới người tiêu dùng, nên trong quá trình phân phối hàng hóa chúng tôi luôn có mối liên kết rất chặt chẽ với nhà sản xuất”, bà Hậu nói.

Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp Việt đang mất dần vị thế
Cần phải có sự liên kết giữa các DN, nhà sản xuất để tạo nên sức mạnh. Ảnh: M.N

Về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan chia sẻ: Chỉ liên kết thôi thì chưa đủ, các nhà bán lẻ Việt cần phải tập trung xây dựng thị trường, không chỉ ở thành thị, mà phải xây dựng hệ thống bán lẻ cả ở những vùng nông thôn, vì hệ thống bán lẻ ở khu vực này vẫn còn yếu kém và bất cập.

“Phong trào đưa hàng Việt về nông thôn rất hữu ích, các DN cần có chiến lược dài hơn, bền vững, khôi phục lại hệ thống bán lẻ ở các địa bàn nông thôn, kiểu như hợp tác xã mua bán để có điểm bán hàng ổn định”, bà Loan nói./.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam