Giá xăng dầu giảm làm giải tỏa sức ép CPI tháng 10

12:05 | 26/10/2013 Print
Xung quanh việc Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2013 tăng 0,49% so với tháng 9/2013, một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, số liệu này không nằm ngoài dự đoán.

CPI thang 10

CPI tháng 10/2013 chỉ tăng 0,49% so với tháng 9/2013.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

TS nguyenminhphong

TS Nguyễn Minh Phong

CPI tháng 10 này tăng thấp hơn mấy tháng trước không nằm ngoài dự đoán, thậm chí còn thấp hơn. Nếu tháng 9/2013, CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ các quyết định hành chính, đến tháng 10 này, CPI tăng 0,49% cho thấy khả năng CPI sẽ tăng tiếp trong các tháng còn lại của năm bởi sức mua sẽ tăng lên vào cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

CPI của tháng này tăng thấp hơn các tháng trước, cụ thể là tháng 9 là dễ hiểu. Điều này cho thấy áp lực từ các mặt hàng đầu vào như xăng, điện, than đã giảm... Các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng chủ yếu do thời tiết xấu tại các tỉnh phía Nam. Và diễn biến giá đang phản ánh đúng quy luật cung cầu trên thị trường.

Chuyên gia Kinh tế, TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư):

TS luubichho

TS Lưu Bích Hồ

CPI tháng này tăng chủ yếu là do mặt hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống, tiếp theo là nhóm giáo dục.

Theo tôi, việc CPI tháng này tăng 0,49% so với tháng trước không có gì đặc biệt, nằm trong dự kiến và theo quy luật. Nhóm giáo dục tăng 0,53% không phải là vấn đề gì lớn bởi đã qua thời gian khai giảng năm học mới. Vấn đề tăng giá thuốc trong ngành y tế đã được giải tỏa. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm ăn uống tăng cũng là bình thường bởi giá xuất khẩu vẫn giữ được còn sức mua trong nước vẫn vậy nên giá lương thực, thực phẩm tăng yếu.

Với mức tăng CPI của tháng này thì mục tiêu kiềm chế lạm phát của Quốc hội có thể đạt được.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh):

TS TranHoangNgan

TS Trần Hoàng Ngân

Mặc dù chỉ số CPI tháng 10 có tăng so với tháng trước nhưng đây là một con số thấp so với dự báo của nhiều chuyên gia, tuy nhiên nó lại hợp lý trong tình hình hiện nay. Đồng thời, đúng với chủ trương chính sách của Chính phủ là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều này cũng cho thấy, Chính phủ đã làm tốt công tác kiềm chế lạm phát ở mức từ 6 - 6,5%, đạt mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra.

Mức tăng CPI của tháng 10 không cao có yếu tố quan trọng là do giá xăng dầu giảm từ ngày 7/10. Hiện nay, do tổng cầu trên thế giới giảm nên giá xăng dầu trong nước cũng phải giảm theo.

Quan trọng hơn là chính sách tiền tệ đang được phát huy hiệu quả tốt đã góp phần kiềm chế lạm phát cũng như góp phần giảm mức tăng của CPI.

Về CPI hai tháng cuối năm, theo tôi, thông thường trong những tháng cuối năm các nhóm hàng lương thực, thực phẩm sẽ tác động đến CPI. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định do trên thế giới cũng đã sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, một số địa phương hiện vẫn chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế và nếu có điều chỉnh, sẽ làm tăng CPI trong những tháng tới nhưng vẫn ở mức cho phép".

Đ.T (tổng hợp)

Đ.T (tổng hợp)

© Thời báo Tài chính Việt Nam