EITI: Minh bạch khai khoáng để tăng thu ngân sách

09:22 | 09/10/2013 Print
Việc thực thi Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) sẽ giúp Việt Nam một giải pháp để tăng thu ngân sách, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài.

>> Thu 5 tỷ, sửa đường 30 tỷ

Để khoáng sản không phải là "lời nguyền"

Tại hội nghị Quản trị tài nguyên khoáng sản (TNKS) ngày 8/10, bà Katarina Kuai, đại diện nhóm Hiến chương tài nguyên ví von rằng vùng đất có TNKS có thể là “sự may mắn”, nhưng cũng có thể là “lời nguyền” nếu TNKS đó không đem lại lợi ích, mà chỉ đem đến những tác động tiêu cực cho người dân như môi trường bị tàn phá, đời sống không được cải thiện.

Theo Viện Tư vấn phát triển (CODE), Việt Nam là một trong những nước có hoạt động khai thác khoáng sản lớn nhất trong khu vực ASEAN, với hơn 60 loại khoáng sản tại hơn 5.000 mỏ, điểm quặng. Trong đó có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như bô xít (5,5 tỷ tấn), than (trên 210 tỷ tấn), titan (500 triệu tấn), đất hiếm (22 triệu tấn), dầu mỏ (6 tỷ tấn), khí thiên nhiên (4.000 tỷ tấn)…

Than
Việt Nam có nguồn TNKS đa dạng. Ảnh: noichinh.vn

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp tới hơn 11% GDP, tạo việc làm cho gần 280.000 người. Tuy nhiên, ngành này đã bộc lộ nhiều hạn chế, thách thức như: nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, hiệu quả kinh tế thấp và dễ bị thất thu cho ngân sách nhà nước. Những tác động tiêu cực về môi trường, xã hội tăng mà một nguyên nhân quan trọng là do thực trạng quản trị và thực thi chính sách yếu kém.

Theo báo cáo Chỉ số quản trị tài nguyên năm 2013, Việt Nam đứng thứ 43/58 về xếp hạng chung và đạt điểm số thấp nhất trong bảng xếp hạng ở nhóm “yếu” về quản trị ngành công nghiệp khai khoáng. Việt Nam xếp thứ 8 trong 10 nước được đánh giá ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và chỉ xếp trên các nước Campuchia và Myanmar.

Vì vậy, một trong những giải pháp góp phần quản trị tốt ngành khai khoáng ở Việt Nam được các chuyên gia trong và ngoài nước đề xuất là thực thi Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI). Đây là một tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực khai khoáng.

Giải pháp tăng thu ngân sách

Theo đó, EITI yêu cầu các công ty dầu khí và khai khoáng công bố về các khoản thanh toán cho các chính phủ, chẳng hạn như các loại thuế, lệ phí và tiền thuê mỏ, và chính phủ các nước công bố các khoản đã thu từ các công ty trong ngành này. Các số liệu sau đó được đối chiếu và công bố trong báo cáo EITI quốc gia hàng năm. Để đảm bảo trách nhiệm giải trình, quá trình này được giám sát bởi một nhóm gồm nhiều bên liên quan.

Khi tham gia EITI, các quốc gia nhận được nhiều lợi ích đáng kể mà một trong số đó là phát hiện những sai lệch trong thanh toán, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách. Ví dụ như ở Nigeria, sau 4 năm thực hiện EITI, có hơn 2 tỷ USD đã được phát hiện và thu hồi cho ngân sách quốc gia.

Chính việc EITI đưa ra và xác định sự chênh lệch giữa các nguồn số liệu thông qua các báo cáo EITI sẽ làm hạn chế thất thu ngân sách.

Theo CODE, tình trạng các công ty khai báo sản lượng khai thác thấp hơn thực tế nhằm trốn thuế và buôn lậu khoáng sản qua biên giới diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam. Chẳng hạn như ở tỉnh Điện Biên, trong suốt 3 năm 2007 – 2010, nhà nước chỉ thu được vỏn vẹn gần 3 tỷ đồng tiền thuế từ khai thác khoáng sản mặc dù có tới gần 90 điểm mỏ được cấp phép khai thác đủ các loại khoáng sản.

Theo ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển, việc tham gia EITI có thể là một trong những giải pháp giúp Chính phủ tăng thu ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đang gặp nhiều khó khăn giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, EITI giúp Việt Nam nâng cao vị trí trên thế giới, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy đầu tư nước ngoài, hội nhập quốc tế. EITI tạo cơ sở dữ liệu cho ngành khai khoáng, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu xung đột về phân chia lợi ích trong hoạt động khai khoáng. Hỗ trợ tích cực cho việc thực thi chủ trương nhà nước về minh bạch hóa, trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam