Quá nửa số vụ tranh chấp giữa các thương nhân "dính" vay ngân hàng

13:57 | 03/10/2013 Print
Đây là một trong những kết quả được nhóm nghiên cứu về chỉ số công lý lần đầu tiên công bố tại Hà Nội sáng nay(3/10) .

Toàn cảnh lễ công bố chỉ số Công lý diễn ra sáng 3/10.

Theo công bố của nhóm nghiên cứu, có tới 51% số vụ tranh chấp kinh tế giữa các thương nhân với nhau là liên quan đến vay vốn ngân hàng, tiếp theo là vay mượn tín dụng cá nhân (37%). Điều khá bất ngờ là những vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng kinh tế giữa các thương nhân với nhau chỉ chiếm 7%.

Đối với các vụ tranh chấp kinh tế giữa thương nhân và cơ quan nhà nước liên quan đến các lĩnh vực như: Thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế, thủ tục hải quan, vấn đề an toàn vệ sinh lao động… thì có 36% vụ tranh chấp liên quan đến thuế; 20% vụ liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh, 2% vụ liên quan đến hải quan…

Đối với lĩnh vực lao động, đứng đầu trong các vụ tranh chấp là liên quan đến tiền lương (chiếm 59%), tiếp đến là làm thêm giờ (10%) và thứ ba là vấn đề bảo hiểm xã hội (7%)… Điều này cho thấy, phần lớn người dân cũng như người lao động không hài lòng với tiền lương mà người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức chi trả. Hay nói cách khác là thù lao mà người lao động nhận được không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra.

Kết quả này được Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) khảo sát dựa trên kinh nghiệm thực tế của hơn 5.000 người dân, thuộc nhiều tầng lớp xã hội (doanh nhân, người lao động, người dân…), đang sinh sống ở 21 tỉnh, thành trên cả nước.

Chỉ số công lý dựa trên 5 tiêu chí: khả năng tiếp cận, sự bình đẳng, tính liêm khiết, độ tin cậy và tính hiệu quả, việc đảm bảo các quyền cơ bản của người dân.

TS. Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc CECODES cho rằng, chỉ số công lý là một sáng kiến quan trọng, phản ánh nguyện vọng của người dân về một xã hội dân chủ và công bằng mà Nhà nước Việt Nam đang theo đuổi.

Ông Bakhodir Burkhanov - Phó Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đơn vị hỗ trợ cho dự án nói: “Chúng tôi hy vọng rằng chỉ số sẽ cung cấp một điểm tham chiếu hữu ích cho các biện pháp cải cách tiếp theo, nhằm làm cho hệ thống tư pháp và luật pháp của Việt Nam có hiệu quả hơn và nhạy bén hơn với nhu cầu và nguyện vọng của người dân”.

Hạnh Chi

Hạnh Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam