Chú trọng chế tài để chống thất thoát vốn các dự án xây dựng

13:00 | 01/10/2013 Print
Chống thất thoát vốn, nhất là nguồn vốn nhà nước, trong các công trình xây dựng là một trong những vấn đề được bàn bạc nhiều tại hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi được Bộ Xây dựng và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tổ chức mới đây.

Khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí vốn

Thực tế cho thấy, việc quản lý xây dựng trong thời gian qua còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí lớn.

Hội thảo đã chỉ ra nguyên nhân là do những quy định về phương thức quản lý nguồn vốn, nhất là nguồn vốn nhà nước,hiện nay chưa rõ ràng. Nguồn vốn nhà nước hiện nay vẫn theo chế độ ủy quyền.Trong khi đó, những quy định chế tài để quản lý chéo, giám sát lãng phí và tham nhũng vẫn còn quá mờ nhạt.

Vì vậy, luật cần quy định cụ thể hơn về việc thanh tra, chế tài xử lý các sai phạm, đại diện Tổng Hội xây dựng đề nghị.

Với các dự án do DN đầu tư nhưng sử dụng vốn nhà nước hoặc tỷ trọng vốn nhà nước chiếm đa số thì nên áp dụng các quy định về phân cấp quyết định đầu tư và chủ đầu tư tương tự như các dự án sử dụng nguồn vốn NSNN - ông Trần Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam kiến nghị.

Nếu vì các điều kiện khống chế của nhà tài trợ, hay đối tác cung cấp vốn mà nhà nước buộc phải giao DN làm chủ đầu tư thì cần có thêm các quy định trong Luật sửa đổi và hệ thống văn bản kèm theo như: Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định về hợp đồng xây dựng , hoặc các Thông tư hướng dẫn việc điều chỉnh biến động giá…nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, kể cả cơ quan quản lý nhà nước đối với chất lượng, giá thành của loại dự án này.

xay dung
Cần làm rõ hơn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong dự án Luật, đảm bảo không gây ách tắc, làm chậm tiến độ thực hiện và gia tăng chi phí của các dự án đầu tư xây dựng. Ảnh:HT

Nhiều vấn đề khác cũng đã được thảo luận tại hội thảo như không nên giao bảo hành công trình cho nhà thầu mà nên qua một tổ chức bảo hiểm để tránh tình trạng nhà thầu phá sản không có ai đến bảo hành. Hay cần làm rõ hơn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong dự án Luật, đảm bảo không gây ách tắc, làm chậm tiến độ thực hiện và gia tăng chi phí của các dự án đầu tư xây dựng...

Những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi

Theo Ban soạn thảo, Luật Xây dựng sửa đổi là dự luật lớn, với 10 chương và 150 điều với nhiều nội dung mới bổ sung. Đó là, đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, hiệu quả thấp, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng.

Sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để đáp ứng các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt.Tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng.

Đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước kết hợp với đáp ứng các yêu cầu khách quan của thị trường, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thông qua hợp đồng xây dựng.

Thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp phép xây dựng. Xác định trách nhiệm của quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng trên cơ sở quy định rõ nội dung quản lý nhà nước và thực hiện phân công, phân cấp hợp lý giữa bộ, ngành và địa phương./.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam