Sản xuất đạt kết quả tốt nhất kể từ tháng 4/2011

12:51 | 01/10/2013 Print
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - trong tháng 9 đã tăng trở lại, đạt kết quả tốt nhất kể từ tháng 4/2011, theo thông tin từ Ngân hàng HSBC tại Việt Nam.

PMI tháng 9

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh phản ánh nhu cầu cơ bản của cả khách hàng trong và ngoài nước đều đã cải thiện. Ảnh: Đ.T

Cụ thể, chỉ số PMI đã tăng trở lại trên mức không thay đổi 50 điểm, đạt 51,5 điểm trong tháng 9. Chỉ số tháng này đã thể hiện sự cải thiện so với mức 49,4 điểm của tháng 8 và là kết quả tốt nhất kể từ tháng 4/2011 - tháng đầu tiên bắt đầu có dữ liệu khảo sát.

Theo HSBC, yếu tố góp phần làm tăng PMI trong tháng 9 là số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm có mức tăng kỷ lục trong lịch sử khảo sát.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh phản ánh nhu cầu cơ bản của cả khách hàng trong và ngoài nước đều đã cải thiện. Chất lượng sản phẩm tốt hơn và giá cả cạnh tranh - cuộc khảo sát mới nhất cho thấy giá xuất xưởng đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp - cũng giúp tăng trưởng doanh thu bán hàng.

Đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng với tốc độ kỷ lục. Tháng 9 là tháng đầu tiên trong bốn tháng ghi nhận mức tăng doanh thu xuất khẩu mới.

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC nói: "Kết quả chỉ số PMI trên 50 điểm biểu thị nhu cầu trên toàn cầu đối với hàng hóa của Việt Nam đã được cải thiện và đồng thời các điều kiện trong nước cũng đã ổn định. Mặc dù giá cả đã tăng trong quý III/2013, chúng tôi dự kiến áp lực lạm phát sẽ vẫn được kìm chế".

Lượng việc làm trong ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng nhờ doanh số bán hàng cao hơn. Tăng trưởng việc làm đáng kể được ghi nhận là tháng thứ hai liên tiếp khi khi các công ty muốn giữ khối lượng công việc luôn ở mức cao.

Lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm trong tháng 9. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng công việc còn tồn đọng đã giảm 18 tháng liên tục. Tuy nhiên, công việc tồn đọng cũng đang giảm với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 4.

Tồn kho hàng thành phẩm tăng nhẹ trong tháng 9. Các nhà sản xuất đã có thể tăng hàng tồn kho, giảm lượng công việc tồn đọng và ứng phó với việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên trong khi vẫn duy trì ổn định mức sản lượng chung.

Ở khía cạnh giá cả, giá cả đầu vào vẫn tăng trong tháng 9. Mặc dù có giảm nhẹ so với mức cao của tháng 8, mức độ tăng của chi phí trung bình vẫn đáng kể và với giá cả đầu ra giảm trong bối cảnh áp lực cạnh tranh, biên lợi nhuận tiếp tục bị thu hẹp.

Nhu cầu hàng hóa đầu vào cũng cao hơn trong tháng 9. Hoạt động mua hàng của các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 4 trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng và nhu cầu được dự báo tích cực hơn./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam