Thái Bình: Phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ theo hướng GAP

13:48 | 30/09/2013 Print
Tận dụng tiềm năng sẵn có, Thái Bình tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) mặn lợ theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nuôi những đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi.

Tăng bình quân 10-11%/năm

Theo Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình (TTKNKNKN), Thái Bình là một tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ, có chiều dài bờ biển là 52km, với 5 cửa sông lớn đổ ra biển. Bãi biển tương đối bằng phẳng, tỷ lệ cát chiếm từ 80- 90%.

Do có nguồn nước ngọt đổ ra biển nên độ mặn ven bờ không cao khoảng 15-25%, nguồn thức ăn phong phú rất thuận lợi cho sự phát triển của động vật thân mềm nhất là con ngao. Tiềm năng nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ của Thái Bình vào khoảng 17.000 ha.

Trong những năm gần đây Thái Bình đã và đang chuyển đổi một số lớn diện tích làm muối trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ như các xã Thái Đô, Thụy Trường, Thụy Xuân (Thái Thụy). Đông Minh, Nam Cường - Tiền Hải. Đối tượng nuôi đa dạng như tôm Sú, tôm thẻ chân trắng, rong câu, cá vược, cá song, cua xanh...

Tận dụng tiềm năng sẵn có, Thái Bình tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) mặn, lợ theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nuôi những đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi.

Phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ của Thái Bình năm 2010-2013 luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 13-15% về sản lượng (trong đó diện tích và sản lượng nuôi nhuyễn thể (ngao) tăng cao 25-30%/năm; nuôi nước lợ tăng 9- 11%/năm); giá trị sản lượng tăng bình quân 10-11%/năm.

Hàng năm, có hàng nghìn tấn ngao đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp phép xuất khẩu vào thị trường EU. Sản lượng thủy sản nuôi mặn lợ của nhiều đối tượng đã trở thành hàng hóa: Tôm sú, tôm he chân trắng, ngao, cá vược, rong câu.... Nuôi thủy sản mặn, lợ đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân ven biển được nâng cao, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội vùng biên giới ven biển.

Tuy nhiên, kết quả nuôi thủy sản mặn, lợ của Thái Bình còn một số hạn chế như: Áp dụng kỹ thuật nuôi thủy sản mặn, lợ theo hướng GAHP còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát.

Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều bất cập; việc rà soát quy hoạch trước đây chưa được triển khai để bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với từng vùng, nhu cầu của thị trường.

Cơ sở hạ tầng vùng nuôi, sau nhiều năm xây dựng chưa được thường xuyên tu bổ, nâng cấp do thiếu vốn, hoặc khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng nên ảnh hưởng đến triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Tình hình ô nhiễm môi trường vùng nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cho sản xuất thiếu sự ổn định. Nguồn giống cung ứng cho nuôi thương phẩm sản xuất trong tỉnh mới đáp ứng được 15-20% so với nhu cầu, phần lớn nhập từ tỉnh ngoài nên giá thành cao, chất lượng không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa được kiểm soát.

Hình thức nuôi của nông dân chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến, tỉ lệ diện tích áp dụng tiến bộ kĩ thuật nuôi thâm canh, bán thâm canh theo hướng GAHP thấp (5-7% diện tích). Năng suất, sản lượng không ổn định.

ảnh ngao

Nuôi ngao là thế mạnh của thủy sản Thái Bình. Ảnh: T.L

Cần có chính sách tín dụng ưu đãi

Để phát triển thế mạnh NTTS nước mặn đạt hiệu quả cao và theo hướng GAP, TT KN KN KN Thái Bình kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao, giống cá vược; hỗ trợ vốn nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng chuyển đổi từ đất cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản tạo nguồn hàng hóa thuỷ sản tập trung. Tăng cường công tác quản lý giống đảm bảo chất lượng và dịch bệnh ngay từ cơ sở sản xuất giống.

Ngoài ra, Thái Bình cũng kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích phát triển nuôi thủy sản mặn, lợ theo hướng sản xuất hàng hóa; Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nên tăng cường công tác tập huấn, hỗ trợ xây dựng mô hình chuyến giao các tiến bộ về giống, công nghệ nuôi các đối tượng ngao, cá song, cá vược theo hướng GAHP.

TT KN KN KN Thái Bình cũng cho biết, thời gian tới, Thái Bình sẽ tập trung đẩy mạnh đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả quản lý con giống hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Khuyến kích các thành phần kinh tế đầu tư tiền vốn, lao động, khoa học công nghệ.

Trung tâm sẽ rà soát chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch vùng nuôi trước đây không còn phù hợp, đồng thời từng bước xây dựng quy hoạch chi tiết cho từng vùng; tổ chức thực hiện quy hoạch cho từng đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái theo hướng vừa tăng quy mô đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ... Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản mặn, lợ theo hướng GAHP; có chính sách tín dụng ưu đãi về vốn vay; tổ chức xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm góp phần đẩy nhanh áp dụng nuôi thủy sản theo hướng GAHP vào sản xuất.

Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Nhân rộng mô hình tổ chức hợp tác trong NTTS thông qua liên doanh giữa những người có đất, người có vốn (tư nhân, tập thể tổ chức pháp nhân, kể cả ngân hàng), người có kỹ thuật và công nghệ. Tổ chức các cộng đồng NTTS dưới hình thức các hội, các câu lạc bộ hoặc tổ hợp tác nuôi nhằm quản lí môi trường và nguồn nước chung, phân công hợp tác trong việc thu hoạch và bán sản phẩm, hỗ trợ nhau vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm.

Thái Bình đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, diện tích NTTS nước mặn, lợ đạt 7.000ha. Sản lượng NTTS nước mặn, lợ 100.000 tấn trở lên. Giá trị NTTS nước mặn, lợ: 400-450 tỷ đồng. Sản xuất ngao giống 10-12tỷ con. Sản xuất tôm sú 70-100 triệu con trở lên. Cua giống và các đối tượng khác 6 triệu con./.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam