Tham gia TPP: Việt Nam sẽ không phải chịu thiệt?

11:10 | 29/09/2013 Print
Nhận định này được bà MaryBeth Turner- Bí thư thứ nhất phòng Kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đưa ra, khi trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

>> TPP không hề 'ngon ăn' Cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn Dẫn lời kết quả nghiên cứu của Viện kinh tế thế giới Peterson (Hoa Kỳ), bà MaryBeth cho rằng trong 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất. Trong vòng 10 năm tới, thu nhập quốc dân của Việt Nam sẽ tăng 10%. Khi tham gia vào TPP, lợi ích mà Việt Nam được hưởng đầu tiên là các mức thuế quan giảm đi, gia tăng các cơ hội cũng như khả năng tiếp cận các thị trường và cộng đồng mậu dịch lớn, trong đó có những nền kinh tế lớn, rất phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Mêhicô, Canada... Tất cả những nước tham gia vào đàm phán TPP đều có những cơ hội bình đẳng với nhau để thể hiện quan điểm của mình. Bà MaryBeth Turner Theo bà MaryBeth, các nền kinh tế của các nước tham gia TPP chiếm tới 40% GDP toàn cầu. Khi có nhiều nước tham gia vào TPP, tiềm năng khu vực này sẽ phát triển thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm toàn bộ châu Á- Thái Bình Dương và khối APEC. Tham gia vào TPP, sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ hội nhập vào kinh tế của APEC, tăng hiệu quả của nền kinh tế và tinh giản các cơ chế mậu dịch, làm cho Việt Nam hấp dẫn hơn về môi trường đầu tư. Trả lời câu hỏi, liệu Việt Nam có phải chịu nhiều thiệt thòi khi là nước nghèo nhất trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, bà Marybeth nhấn mạnh: “Việt Nam không phải chịu thiệt thòi gì khi tham gia đàm phán với những nước có tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Bởi, tất cả những nước tham gia vào đàm phán TPP đều có những cơ hội bình đẳng với nhau để thể hiện quan điểm của mình”. Vượt qua thách thức không quá khó Nói về những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải khi tham gia đàm phán TPP, bà MaryBeth cho rằng: TPP yêu cầu các nước tham gia phải có những thay đổi cả về mặt luật pháp cũng như các quy định khác. TPP là hiệp định có nhiều tiêu chuẩn rất cao nên so với các nước có tiềm lực kinh tế mạnh hơn tham gia đàm phán thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, những lợi ích lớn vẫn bao trùm và điều đó đáng để Việt Nam tham gia vào TPP. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải thực hiện rất nhiều những thay đổi lớn. Để làm được điều này, Việt Nam sẽ phải tiến hành rất nhiều chiến dịch thông tin tới các cấp để giải thích về những thay đổi và những tác động của những thay đổi đó khi tham gia vào TPP. Cần có những cuộc đối thoại cởi mở với những ngành công nghiệp quan trọng sẽ chịu tác động của TPP để họ hiểu được những mối quan ngại và những cơ hội. Bà MaryBeth cũng bày tỏ tin tưởng rằng: “Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt qua được những thách thức của TPP. Bởi, trong lịch sử, Việt Nam nổi tiếng về khả năng vượt qua được những thách thức và thích nghi được với những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu”. Việc các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Mỹ đang có xu hướng chuyển hướng kinh doanh của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, do chi phí sản xuất tại quốc gia này trở nên đắt đỏ, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt là rất lớn. Điều này chứng tỏ lòng tin của các nhà đầu tư ngoại đối với thị trường Việt đang tăng lên và việc vượt qua thách thức mới mà TPP mang lại là điều hoàn toàn có thể tiên đoán được./.

Vũ Luyện

Vũ Luyện

© Thời báo Tài chính Việt Nam