Doanh nghiệp cần cẩn trọng với phòng vệ thương mại

09:20 | 18/09/2013 Print
Việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ nền sản xuất và thị trường nội địa là cần thiết .Tuy nhiên khi lập kế hoạch kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, DN cần có sự cân nhắc nhiều chiều.Đây là khuyến cáo của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại Việt Nam.

DN tiến hành khởi kiện chống bán phá giá cần cân nhắc lợi ích nhiều chiều Ảnh: TU

>> DN cần chuẩn bị tốt để tránh thua thiệt từ các vụ kiện quốc tế

>> Doanh nghiệp còn thờ ơ công cụ phòng vệ thương mại

Kiện thương mại - không có thắng thua tuyệt đối

Trong bối cảnh nền kinh tế nội địa đang ngày càng khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn mà nhiều mặt hàng từ các nước khác xuất sang Việt Nam đang bán phá giá, DN Việt bắt đầu quan tâm đến các công cụ phòng vệ thương mại.

Sự kiện Cty Posco VST và Hòa Bình Inox kiện chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia là dấu hiệu đầu tiên thể hiện sự chủ động tự bảo vệ mình trước "cơn bão" hàng nhập khẩu vào thị trường Việt..

Tuy nhiên, để có thể kiện chống bán phá giá thành công, tối thiểu DN khởi kiện cần đảm bảo 2 nguyên tắc quan trọng: thứ nhất, tối thiểu 50% lượng sản xuất toàn ngành ủng hộ quyết định khởi kiện; thứ hai, tối thiểu 25% lượng sản xuất toàn ngành đứng tên nguyên đơn, đại diện Bộ Công thương cho biết.

DN khởi kiện còn phải xác định và chứng minh được mức độ thiệt hại bằng các con cụ thể có sức thuyết phục như doanh số, thị phần, lợi nhuận, tồn kho...

DN cần tính toán về khả năng thắng kiện...

Ông Nguyễn Hải

" DN cần tính toán về khả năng thắng kiện, thắng kiện ở đây là thắng như thế nào có lợi nhất cho mình. Bởi vì trong vụ kiện thương mại thì không có thắng thua tuyệt đối. Ví dụ như DN đệ đơn yêu cầu áp thuế 10% thì cần tính toán xem mức quyết định có khả năng là 10% hay không. Và 10% đó áp trong vòng 5 năm có bù đắp được các chi phí DN phải bỏ ra để theo đuổi vụ kiện hay không. Thậm chí, 5 năm đó cũng giữ cố định mà mức thuế sẽ được cân nhắc sau từng kỳ rà soát hàng năm, theo quy định của luật", thạc sỹ luật thương mại quốc tế Nguyễn Hải, Cty luật Mayer Brown JSM cho biết.

Cần cân đối lợi ích DN và lợi ích chung

Những vụ kiện chống bán phá giá xảy ra thường có sự xung đột lợi ích giữa DN đi kiện với DN bị ảnh hưởng. Thực tế, vừa qua, trong vụ khởi kiện của Cty Posco VST và Hòa Bình Inox , bên cạnh bốn bị đơn là Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia, thì nhóm DN trong nước sử dụng sản phẩm thép không gỉ cán nguội làm đầu vào cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Vụ kiện thép không gỉ cán nguội đã gây không ít khó khăn cho các DN trong nước khi họ vẫn tiếp tục phải nhập khẩu sản phẩm này. Đặc biệt, đối với các DN đã ký những hợp đồng nhập khẩu lớn, các dự án đã được đấu thầu, có thể đẩy giá tăng lên, ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc cty CP Quốc tế Sơn Hà chia sẻ.

Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan khi sử dụng công cụ phòng vệ thương mại sẽ có mặt tích cực và mặt tiêu cực nên cần cân nhắc kỹ. Cụ thể, trong các vụ kiện chống bán phá giá thì bao giờ cũng phải có sự cân nhắc giữa việc chúng ta bảo vệ một ngành sản xuất cụ thể với quyền lợi chung của người tiêu dùng, quyền lợi chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khi sử dụng công cụ quyền năng những nguyên tắc không thể bỏ qua, đó là sự cân bằng giữa lợi ích ngành và lợi ích chung của nền kinh tế; xem xét về lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và quan hệ ngoại giao với các nước đối tác./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam