Công nghiệp hỗ trợ yếu, khó giữ chân nhà đầu tư ngoại

17:11 | 12/09/2013 Print
Trong khi, ngày càng có nhiều DN từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đến Việt Nam để thuê nhà xưởng, xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thì nhiều DN trong nước với lợi thế về mặt bằng, nhân lực... lại vẫn đang thờ ơ, đứng ngoài cuộc.

Tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của ngành dệt may chỉ khoảng hơn 10%.Ảnh: TU

CNHT không đáp ứng được yêu cầu

Ngành CNHT có vai trò quan trọng đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam; là yếu tố tích cực để thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất, giúp DN tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và góp phần thu hút đầu tư. Tuy nhiên, ngành CNHT của Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất linh kiện chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng thấp .

Hiện nay chỉ có khoảng 1.000 DN Việt Nam tham gia vào chuỗi ngành CNHT. Lượng cung ứng cho ngành này vẫn không nhiều so với nhu cầu của các DN nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam, 80% sản phẩm phụ trợ của các DN sản xuất lắp ráp vẫn phải nhập khẩu.

Thậm chí, ngay cả một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy…vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Thực tế, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành ôtô mới được hơn 20%, dệt may là trên 10%.

DN chưa nhạy bén để có hướng tiếp cận tốt hơn với thị trường quốc tế, gắn kết với các đối tác quốc tế cũng như để khai thác các cơ chế hỗ trợ của nhà nước.

Ông Trần Tuấn Anh

Bên cạnh đó, theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam mới đạt khoảng 28%, trong khi tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, Thái Lan 53%. Khả năng cạnh tranh của mỗi nước thể hiện ở tỷ lệ linh phụ kiện nội địa. Tỷ lệ này thấp sẽ khiến giá thành sản phẩm cao.

Chính vì vậy mà mặc dù có rất nhiều DN nước ngoài mong muốn tìm cơ hội đầu tư lâu dài và hợp tác với Việt Nam,nhưng họ lại chần chừ, e ngại vì ngành CNHT của Việt Nam quá yếu. Khi đầu tư vào Việt Nam là họ sẽ phải nhập khẩu vật tư linh kiện từ nước ngoài, điều này hoàn toàn gây bất lợi cho sản xuất và giá thành sản phẩm.

"Các DN Nhật Bản tìm đến thị trường Việt là do giá nhân công rẻ. Tuy nhiên lợi thế đó chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư Nhật bởi ngành CNHT của Việt Nam kém phát triển. Hầu hết các linh kiện và các sản phẩm trung gian chúng tôi đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu CNHT không nhanh chóng có những bước tiến mới, các DN Nhật Bản sẽ không phát huy được lợi thế của Việt Nam, việc giữ chân và thu hút thêm nhà đầu tư sẽ trở nên khó khăn", ông Daisuke Hiratsuka - Phó Chủ tịch Điều hành JETRO cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ DN

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân ngành CNHT phát triển chậm trong thời gian qua được cho là do thiếu vốn, do công nghệ còn nghèo nàn, lạc hậu, thị trường nội địa nhỏ và do chính các DN Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: Chúng ta cũng phải nói thật là nguyên nhân đến từ sự hạn chế của chính bản thân các DN Việt Nam trong việc nghiên cứu, tiếp cận thị trường và xác định, định vị lại hoạt động của mình. DN chưa nhạy bén để có hướng tiếp cận tốt hơn với thị trường quốc tế, gắn kết với các đối tác quốc tế cũng như để khai thác các cơ chế hỗ trợ của nhà nước./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam