Giải bài toán khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

22:18 | 17/08/2013 Print
DNNVV mặc dù chiếm tới 97,5% số lượng DN, là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, nhưng khu vực DN này vẫn đối mặt với nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến hiệu quả, sức cạnh tranh. Trong đó, không thể không kể đến vốn và công nghệ.

DNNVV điêu đứng vì thiếu vốn, công nghệ lạc hậu. Ảnh: T.U

Điêu đứng vì thiếu vốn

Tình trạng ít vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn đang là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của DNNVV - Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận định. Hiện chỉ có 30% các DNNVV tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác. Đặc biệt, trong số này có nhiều DN vẫn phải chịu vay ở mức lãi suất cao hơn 15%/năm.

Ông Ngô Viết Long, Giám đốc Cty CP Sản xuất - Thương mại Quảng Long, cho biết: “Trước đây Cty có trên 100 công nhân, nhưng hiện đã phải cắt giảm một nửa số lao động. Chúng tôi đang trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng, chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, ưu đãi về lãi suất của ngân hàng vì nhiều thủ tục rất rắc rối...”

Theo Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI), 55% trở ngại khi DNNVV tiếp cận với vốn vay là do thủ tục vay quá phức tạp; 50% trở ngại yêu cầu thế chấp, do DNNVV thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp như hàng trong kho, các khoản thu; 80% tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp. Như vậy là dù các NHTM đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song các điều kiện vay vốn hiện chưa phù hợp với DNNVV, VCCI nhận định.

"Điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNNVV, rất ít các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện không được nợ thuế quá hạn, không nợ lãi suất quá hạn", TS.Kiêm cho biết thêm.

Nhiều DNNVV đã phải tự xoay sở nguồn vốn cho mình để cầm cự qua ngày. Ông Đoàn Mạnh Tuấn - GĐ CTy TNHH Hương Tuấn cho biết: "Cty đang cố gắng duy trì sản xuất bằng cách vay mượn của bạn bè, người thân. Nếu không có tiền trả lương thì công nhân sẽ bỏ đi, mất thị trường, mất bạn hàng, máy móc bị xuống cấp...Trước đó, Cty đã phải bán bớt một số tài sản như ô tô, đất có vốn hoạt động".

Công nghệ lạc hậu

Ngoài khó khăn về vốn, DNNVV còn gặp nhiều trở ngại về công nghệ, trình độ khoa học công nghệ còn thấp. Do vốn đầu tư công nghệ lớn hơn nhiều chi phí sản xuất kinh doanh, nên xưa nay, DNNVV còn bàng quan với việc đổi mới công nghệ, nhất là ở thời điểm khó khăn như hiện nay. Tỷ lệ đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chỉ khoảng 0,2% - 0,3% tổng doanh thu.

Hiện số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong DNNVV chỉ chiếm 0,025% tổng số lao động khu vực DN. Khoảng 80% máy móc và công nghệ sử dụng nhập khẩu từ thập niên 80, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2% (Thái Lan: 31%, Singapore: 73%).

Chính công nghệ sản xuất lạc hậu là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, hàng tồn kho của các DNNVV nhiều. Thực trạng này đang đặt ra những thách thức lớn đối với năng lực cạnh tranh của khu vực DNNVV, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Giải pháp nào cho DNNVV?

Để giải quyết tình trạng "khát vốn" cho DNNVV, TS. Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực cho rằng: NHTM cần có cơ chế thoáng hơn cho DNNVV. Ưu tiên DN có dự án tốt để họ có thể tiếp cận được vốn thay vì phải thế chấp tài sản, kéo dài thêm thời gian giãn nợ đối với một số ngành hàng còn đang gặp khó khăn.

Theo TS.Cao Sĩ Kiêm ,Chính phủ cần dành thêm nguồn vốn tín dụng cho các DNNVV. Tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận các nguồn vốn ODA, tăng tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho DNNVV.

"Cần có ngân hàng phục vụ đối tượng DNNVV. Mỗi DNNVV chỉ cần được vay từ 5 đến 10 tỷ đồng là bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Kiêm đề xuất.

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ DNNVV ứng dụng công nghệ là nội dung quan trọng của chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Để khuyến khích đổi mới công nghệ trong DNNVV, các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, phải có chế tài đủ mạnh, buộc DN phải trích một phần lợi nhuận cho đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, các DN cần tăng cường liên kết với các trung tâm nghiên cứu, trường học…để được hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất; Góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam