80% các thương vụ M&A khiến các ông chủ thất vọng

06:12 | 17/08/2013 Print
Ông Nigel Densombe - Chủ tịch HĐQT, CEO Tập đoàn Denscombe tại Tokyo và Nhật Bản đưa ra nhận định tại cuộc hội thảo về M&A mới đây tại Hà Nội.

M&A có thể là sự lựa chọn tốt với những thị trường mới nổi như Việt Nam, khi mà đa số DN có quy mô tầm trung, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, đừng vội mừng khi có tới 60% các thương vụ khiến ông chủ DN thất vọng, 20% thương vụ thất bại, không có giá trị, chỉ còn 20% số thương vụ còn lại thành công, đạt được mục tiêu.

7 lý do dẫn đến thất bại

Có 7 lý do dẫn đến kết quả thất vọng sau các thương vụ M&A mà ông Nigel Densombe đưa ra. Đó là các lý do như: Đánh giá không đầy đủ mục tiêu, Khó khăn khi tích hợp, Không thể đạt được cộng hưởng, Quá nhiều sự đa dạng hóa, Quản lý quá tập trung vào M&A, Quy mô DN mục tiêu quá lớn và Nợ quá nhiều sau M&A.

Theo đó, việc đánh giá không đầy đủ mục tiêu sẽ dẫn tới việc trả giá qua cao cho DN mục tiêu. Việc đa dạng hóa quá nhiều khiến DN trở thành qua đa dạng dẫn đến giảm hiệu suất kinh doanh, DN phải xử lý thông tin trong một khu vực lớn hơn, các nhà quản lý quá dựa vào kiểm soát tài chính mà quên mất việc đánh giá hiệu suất các đơn vị kinh doanh, thậm chí nhãn hiệu mua lại có thể trở thành sản phẩm thay thế cho sự đối mới sản phẩm.

“Nếu DN đa dạng hóa quá mức sẽ dẫn đến không đủ khả năng kiểm soát” - ông Densombe cho hay.

Những thương vụ dạng này ở Việt Nam có Masan làm rất tốt, Kinh Đô làm tương đối ổn.

Hay khi quy mô của DN bên bán quá lớn so với DN đi mua có thể dẫn đến kiểm soát quan liêu hơn, ít có sự đổi mới.

Không phải “đắt là xắt ra miếng”

Ông Nigel Densombe đưa ra 4 lời khuyên cho DN khi thực hiện M&A. Thứ nhất, DN cần “làm bài tập về nhà” tức là xác định được tầm nhìn của DN, có chiến lược M&A rõ ràng. Khi mà DN không hiểu rõ ràng về hiện trạng của mình trước mà “băm bổ” xông vào kết thúc thương vụ với nhau một cách vội vàng.

Thứ hai, DN không nên trả phí M&A quá cao bởi không phải cứ “đắt là xắt ra miếng”, chi tiền nhiều thì thương vụ sẽ thành công;

Thứ ba, phải có sự hòa hợp một cách có hiệu quả;

Thứ tư, làm sao giữ chân được nhân tài cho DN hình thành sau này. Bởi khi chúng ta mua một DN tốt, một DN trước đó thành công thì ắt sẽ có những người tài, người có năng lực. Cần phải có cách giữ chân được những người này ngay trong quá trình đàm phán thương vụ./.

Tuấn Anh

Tuấn Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam