Tôm thẻ chân trắng sẽ là đối tượng nuôi chủ lực cho ngành sản xuất tôm

13:14 | 09/08/2013 Print
Tôm thẻ chân trắng được lựa chọn là đối tượng nuôi chủ lực trong ngành sản xuất tôm bởi hiệu quả kinh tế cao .Đó là khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn.

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, ngành sẽ phát triển tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, bán thâm canh. Về thời vụ thả nuôi, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thời tiết cụ thể để chỉ đạo. Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các ảnh hưởng của việc nuôi tôm thẻ chân trắng đối với môi trường, đồng thời xem xét, đánh giá việc điều chỉnh mùa vụ cho các vùng khác nhau trên cả nước.

Lũy kế diện tích nuôi tôm đã thả giống là 593.492 ha (bằng 95,1% so với cùng kỳ 2012), trong đó diện tích tôm sú đạt 560.282 ha, tôm thẻ chân trắng 23.660 ha. Diện tích đã thu hoạch đạt 360.699 ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt 115.000 tấn, trong đó tôm sú đạt 85.000 tấn, tôm thẻ đạt 30.000 tấn(Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến 20/7/2013)

Sản lượng tôm năm 2012 đã đạt trên 15% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản; giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh đạt trên 2,2 tỷ USD, chiếm 36,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, có một thực tế là nghề nuôi tôm chưa phát triển bền vững, giá trị thương mại chưa cao.

Đặc biệt gần đây, nghề nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian dài tăng trưởng nóng, bắt đầu phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường, dẫn đến dịch bệnh gia tăng. Từ năm 2010, dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng, nhiều vùng nuôi tôm bị mất trắng. Năm 2012, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh trên 100.000 ha./.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam