Cẩn trọng với những điều kiện hàng hóa sang EU

11:51 | 07/08/2013 Print
Từ 1/1/2014, Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mới của EU sẽ chính thức có hiệu lực. So với một số nước như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…, Việt Nam có nhiều ưu thế hơn, do các dòng thuế được hưởng ưu đãi nhiều hơn. Nhưng hàng Việt Nam có thực sự được rộng đường sang EU?

detmay/vulyen/p.kte

Dệt may và da giày là 2 ngành hàng đã được loại ra khỏi cơ ché trưởng thành trong GSP mới (Ảnh: minh họa).

Xuất khẩu sang EU sẽ tăng

Theo GPS mới, 89 nước trong đó có Việt Nam được hưởng ưu đãi, thay vì 176 nước như hiện nay.

Nhận định về điều này, ông Damiano Francovigh- Tham tán Kinh tế và Thương mại Ý tại Việt Nam cho rằng: quy định mới này đã hạn chế những nước được hưởng lợi từ quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập trước đây, vốn là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Trước mắt, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ quy chế mới này, xuất khẩu vào EU sẽ tăng lên.

Với GSP mới, Việt Nam được hưởng ưu đãi đối với tất cả các mặt hàng, với số lượng các dòng thuế được hưởng ưu đãi tăng lên đáng kể. Ngoài các mặt hàng hiện tại, Việt Nam sẽ có thêm hai nhóm hàng khác được hưởng ưu đãi GSP của EU là giày dép và nón, dù (ô).

Như vậy, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như giày dép, dệt may, thủ công mỹ nghệ, cà phê, hạt tiêu... sẽ được thúc đẩy hơn nữa khi xuất khẩu vào EU.

Quy chế GSP mới này mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực. Ví dụ: tại khu vực ASEAN, Malaysia sẽ không được hưởng GSP mới, vì có mức thu nhập trung bình ở mức cao.

Ngoài ra, một số mặt hàng của một số nước châu Á khác sẽ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế quan nữa, như: cá, giáp xác, rau quả, cà phê, chè, ngũ cốc,… nhập khẩu từ Trung Quốc; chế phẩm từ thịt và cá, đồ uống,… từ Thái Lan… Đây là cơ hội tốt cho hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu mà ít gặp phải cạnh tranh với các nước trên.

Như vậy, với GSP mới, khả năng kim ngạch xuất khẩu của nhiều hàng hoá Việt Nam sang châu Âu sẽ tăng lên là điều dễ nhận thấy.

Cẩn trọng với “con dao hai lưỡi”

Dù quy chế GSP mới của EU có nhiều ưu đãi đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, song nó cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là việc áp dụng tiêu chí “trưởng thành” mới (không được hưởng ưu đãi) đối với một số mặt hàng.

Cẩn trọng với những điều kiện hàng hóa sang EU
GSP mới sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như chúng ta vẫn nghĩ, bởi đi kèm với nó còn rất nhiều điều kiện và chỉ là những ưu đãi trong thời gian ngắn. Xét về trung hạn và dài hạn thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu được ký kết và chính thức đi vào hoạt động trong thời gian tới. Ông Damiano Francovigh

Theo ước tính của Bộ Công Thương, thị phần hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam theo quy chế GSP mới sẽ gồm 3 nhóm: nhóm đạt ngưỡng trưởng thành (cà phê, chè và các loại gia vị, thủy sản, giày dép...); nhóm có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành (nhựa và hàng may mặc); nhóm có khả năng hưởng ưu đãi ổn định (gỗ, than từ gỗ, nguyên liệu dệt, hàng điện tử kể cả điện thoại, và các mặt hàng khác).

Theo GSP mới, cơ chế trưởng thành áp dụng khi tổng nhập khẩu hàng hóa vào EU thuộc một mục của một nước vượt quá 17,5% tổng nhập khẩu hàng hóa tương tự từ tất cả các nước đang hưởng GSP của EU trong vòng 3 năm (đối với mặt hàng dệt may là 14,5%).

Điều này khiến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam rất dễ gặp rủi ro, khi nhiều nước bị loại bỏ khỏi danh sách hưởng quy chế GSP mới của EU, khiến thị phần hàng nhập từ Việt Nam có khả năng tăng lên rất nhiều, trong tổng nhập khẩu được hưởng quy chế GSP và đạt ngưỡng trưởng thành, dẫn đến không được hưởng ưu đãi nữa.

Chẳng hạn như các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam là giày dép, dệt may đã chính thức loại ra khỏi danh sách trưởng thành của EU, được hưởng quy chế GSP từ đầu năm 2014 đến hết năm 2016. Tuy nhiên, nếu đẩy mạnh xuất khẩu vượt quá mức trưởng thành sẽ bị xóa bỏ điều kiện được hưởng GSP. Điều này không khác gì con dao hai lưỡi, nếu như các DN Việt Nam không có một chiến lược xuất khẩu cụ thể, cẩn trọng.

Áp dụng quy chế GSP mới, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, việc nhiều nước hoặc nhóm hàng của một số nước bị loại khỏi danh sách được hưởng ưu đãi GSP mới của EU sẽ làm tăng gian lận thương mại.

GSP mới không chỉ đem lại lợi ích về xuất khẩu cho DN Việt Nam mà cả DN nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, lợi dụng điều này, các DN Việt Nam hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm từ một số nước như Trung Quốc, Malaysia để tận dụng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU để hưởng GSP./.

Mai Lâm- Thanh Thúy

Mai Lâm- Thanh Thúy

© Thời báo Tài chính Việt Nam