Lãng phí từ việc xây dựng chợ không hợp lý

11:07 | 24/07/2013 Print
Hàng loạt chợ xây mới tại Hà Nội với số tiền đầu tư lớn khi đưa vào khai thác đã không mang lại hiệu quả, thậm chí bị bỏ hoang. Đây được coi là bài học cho việc tính toán quy hoạch không hợp lý gây lãng phí lớn.

Chủ trương lớn thất bại?

Nhằm quy hoạch phát triển thủ đô văn minh, hiện đại, Hà Nội đã xây mới nhiều chợ đầu mối và xây dựng chợ truyền thống thành các trung tâm thương mại (TTTM). Thế nhưng, thực tế cho thấy, xây dựng được một chỗ đẹp đẽ hơn thì hoạt động không hiệu quả và lại phát sinh nhiều chợ “cóc” nhếch nhác, lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông.

Chợ Thượng Đình vốn là 1 chợ truyền thống buôn bán tấp nập. Với kỳ vọng sẽ tạo được một môi trường kinh doanh tốt hơn, UBND quận Thanh Xuân đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng phá bỏ chợ cũ xây chợ Thượng Đình 3 tầng khang trang.

Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua kể từ khi chợ mới Thượng Đình đi vào hoạt động, chợ gần như để hoang, không ai vào kinh doanh mua bán.

Trái với cảnh buồn tẻ đó, ngay sát chợ Thượng Đình là một chợ cóc trên vỉa hè phố Chính Kinh lại rất nhộn nhịp. Mặc dù ở đây điều kiện tạm bợ nhưng các tiểu thương lại không muốn vào kinh doanh trong chợ Thượng Đình vì không có khách vào mua.

Chợ Thượng Đình 3 tầng khang trang nhưng chỉ có vài gian hàng ở cổng chợ. Ảnh:HT

Nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội được chuyển đổi xây dựng theo mô hình chợ trong trung tâm thương mại như Ô Chợ Dừa, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam…. với số vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng đều hoạt động không hiệu quả, vắng cả người bán lẫn người mua.

Ngoài ra, một số chợ đầu mối sau khi được đầu tư xây dựng do “đặt” nhầm chỗ cũng “chết yểu” ngay từ ngày đầu đi vào sử dụng.

Chợ Minh Khai (huyện Từ Liêm) nằm ngay trên quốc lộ 32 với kinh phí đầu tư khoảng 27 tỷ đồng giao thông rất thuận tiện. Nhưng do nằm quá gần chợ đầu mối Dịch Vọng nên không thu hút được các tư thương về đây kinh doanh buôn bán.

Chợ đầu mối nông sản Bắc Thăng Long, Xuân Đỉnh, Đền Lừ …sau khi xây dựng xong đã không thể hoạt động theo đúng mục tiêu ban đầu đưa ra bởi nhiều lý do như: giao thông không thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, vị trí chưa hợp lý…

Cần thận trọng hơn

Từ những “thảm cảnh” trên mà nhiều chợ ở Hà Nội đã cũ nhưng khi đề cập đến việc xây dựng lại theo mô hình chợ - trung tâm thương mại đều bị các tiểu thương phản đối quyết liệt nên đành hoãn lại. Chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân… là những ví dụ.

Hiện tại chợ Hôm đã được cải tạo sạch sẽ, an toàn hơn nhưng giữ nguyên mô hình kinh doanh theo kiểu chợ truyền thống. Còn chợ Nghĩa Tân vẫn là cuộc tranh chấp chưa có hồi kết.

Theo các chuyên gia, việc giữ lại chợ truyền thống là hết sức cần thiết không chỉ bởi về mặt kinh tế mà cả với những lý do về văn hóa, xã hội. Không gian chợ truyền thống trong mô hình TTTM thường chật hẹp, giá thuê mặt bằng, phí phục vụ cao, kéo giá thành của hàng hóa tăng theo nên các hộ kinh doanh ngại vào buôn bán.

Bên cạnh đó thói quen tiêu dùng của người dân là tiện đâu mua đó, không muốn gửi xe mất thời gian. Đa số người tiêu dùng đều có tâm lý rất ngại vào các khu chợ trong trung tâm thương mại để mua vài mớ rau, bìa đậu. Nên khi chợ truyền thống bị dỡ bỏ thì chợ cóc, chợ tạm được tìm đến nhiều nhất.

Về vấn đề này, tại cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội mới đây, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng: “Dù lấy lý do cải tạo chợ cũ, tạo bộ mặt hiện đại cho thủ đô thì cũng không thể bỏ hết các chợ dân sinh trong những năm tới. Bởi đó là nhu cầu thiết yếu của người dân thủ đô”.

Theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố sẽ dành trên 500 nghìn tỷ đồng cho hệ thống chợ, đại siêu thị và trung tâm thương mại.

Trong đó, giai đoạn 2012-2015, UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ kêu gọi các nhà đầu tư phát triển 22 trung tâm mua sắm; 29 trung tâm thương mại và 73 siêu thị. Với thực trạng của các dự án đã triển khai, các chuyên gia đều cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu thấu đáo hơn khi triển khai các dự án mới.

Bởi nếu tiếp tục tình trạng xây rồi kinh doanh không hiệu quả hoặc “đắp chiếu”, không những gây lãng phí, nhà nước thất thu một khoản lớn từ các chợ cóc, chợ tạm không quản lý được mà chủ trương đúng đắn về chỉnh trang đô thị khang trang hơn cũng sẽ thất bại.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam