Số liệu vừa mừng, vừa thấy khó khăn

13:56 | 04/07/2013 Print
Bàn về số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm, đã có những ý kiến nhận thấy vừa mừng, vừa lại cho thấy những khó khăn vẫn chưa thể đi qua...

Nhóm hàng ăn uống, thực phẩm giảm giá khiến chỉ số CPI tháng 6 chỉ tăng nhẹ. Ảnh: N.M.

>> CPI 6 tháng qua thấp nhất trong gần 10 năm

Trao đổi đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, với xu hướng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng như hiện nay, cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới một con số mà Chính phủ đặt ra cho năm 2013 là có thể đạt được. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm vẫn phải kiểm soát tốt chính sách tiền tệ, giá cả các yếu tố đầu vào như: điện, than, xăng dầu... phải được điều chỉnh tăng hợp lý.

PV: Ông có bình luận gì về chỉ số CPI tháng 6/3013 tăng 0,05% so với tháng trước vừa được Tổng cục Thống kê công bố?

TS. Nguyễn Minh Phong: - Chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,05% nói lên 2 điều. Thứ nhất, nó nằm trong mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 dưới một con số của Chính phủ. Với tốc độ và xu hướng này, cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số mà Chính phủ đặt ra là có thể đạt được.

Thứ hai, chỉ số này cũng cho thấy động lực thị trường không được cao lắm, việc tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp (DN) còn gặp nhiều khó khăn.

PV: Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua chỉ tăng ở mức 2,4% so với tháng 12/2012, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng gần mười năm qua. Điều này như ông vừa giải thích là do việc tiêu thụ hàng hóa thấp. Theo ông, cần phải làm gì để vừa kiềm chế lạm phát, vừa thúc đẩy sản xuất phát triển?

Với xu hướng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng như hiện nay, cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới một con số mà Chính phủ đặt ra cho năm 2013 là có thể đạt được

TS. Nguyễn Minh Phong. Ảnh: TL

TS. Nguyễn Minh Phong:

- Vấn đề đặt ra từ nay đến cuối năm là cần phải tỉnh táo trong việc thực hiện các giải pháp, nhất là các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát cần phải được kiểm soát một cách tốt nhất. Nếu chúng ta buông lơi thì rất có thể lạm phát có thể tăng cao trở lại vào những tháng cuối năm.

Để thúc đẩy tiêu dùng cũng như giải quyết hàng tồn kho, Chính phủ đang thực hiện một loạt các giải pháp mang tính vĩ mô như tái cấu trúc DN, cho DN vay vốn với lãi suất thấp…

Bên canh đó, bản thân các DN cũng cần phải tự tái cấu trúc lại chính mình, cắt giảm những chi phí không cần thiết. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hạ giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng.

PV: Từ nay đến cuối năm, ngoài một số mặt hàng như điện, than,… có thể tăng giá theo lộ trình. Theo ông còn yếu tố nào khác tác động đến chỉ số CPI của cả năm?

TS. Nguyễn Minh Phong: - Có hai yếu tố cần phải cẩn thận. Thứ nhất, đó là chúng ta phải quản lý tốt ngân sách. Thứ hai, các yếu tố làm tăng chi phí đầu vào như: than, điện, xăng dầu, viện phí… phải được quản lý chặt.

Điều chỉnh tăng giá vào những thời điểm phù hợp. Bởi nếu những mặt hàng trên đều tăng giá cùng một thời điểm thì sẽ tác động xấu đến chỉ số CPI. Đây là một nhãn tiền cần phải tránh để không mắc phải như những năm trước.

PV: Trân trọng cám ơn ông!


Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam