HSBC: "Cầu" yếu kéo sản xuất đi xuống

21:13 | 01/07/2013 Print
Theo báo cáo được HSBC công bố ngày 1/7, tình hình sản xuất trong tháng 6/2013 tiếp tục suy giảm đáng kể do nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu kém. Chỉ số này cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua.

san xuat, suy giam, PMI

Sản xuất suy giảm do nhu cầu tiêu dùng kém (ảnh minh họa)

Báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) Việt Nam tháng 6 của ngân hàng HSBC cho thấy, chỉ số PMI đã giảm từ mức 48,8 điểm của tháng 5 xuống còn 46,4 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất trong 11 tháng qua và là tháng thứ 2 liên tiếp ở dưới ngưỡng 50 điểm, ngưỡng biểu thị sự giảm sút.

Theo HSBC, nhu cầu thị trường trong nước tiếp tục suy giảm cùng với nhu cầu xuất khẩu giảm nhẹ là nguyên nhân khiến số lượng đơn đặt hàng mới giảm đáng kể, dẫn đến sản lượng của ngành sản xuất giảm. Trong khi đó, hàng tồn kho đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong một năm qua.

Đáng chú ý là áp lực giá cả tiếp tục giảm bớt trong tháng 6, mặc dù chi phí đầu vào trung bình đã tăng từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ lạm phát tháng 6 chỉ ở mức thấp và tăng không đáng kể nhất trong thời kỳ tăng giá gần đây.

Báo cáo của HSBC cũng cho rằng, tình hình sản xuất trì trệ khiến số lượng việc làm trong hai tháng qua đã giảm liên tiếp với tốc độ mạnh nhất 11 tháng qua.

Trước đó, khi chỉ số PMI tháng 5 tuột dốc xuống dưới ngưỡng 50 điểm, chuyên gia kinh tế của HSBC đã cho rằng, quá trình hồi phục kinh tế Việt Nam rất khó khăn và bị trì kéo bởi nhu cầu yếu kém ở trong nước. Trừ khi vấn đề nợ xấu trong hệ thống tài chính được giải quyết.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/6/2013 của ngành này tăng 9,7%.

Nếu so với cùng thời điểm năm trước, chỉ số tồn kho các tháng đầu năm 2013 lần lượt là: thời điểm 01/2 tăng 19,9%; 01/3 tăng 16,5%; 01/4 tăng 13,1%; 01/5 tăng 12,3% và thời điểm 01/6 tăng 9,7%.

Nhiều loại sản phẩm tồn kho đã được tiêu thụ với giá rẻ, doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp - thậm chí lỗ để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn đầu tư sang lĩnh vực khác.

Trong đó, một số ngành có chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho tương đối tốt như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan với các chỉ số tương ứng là 116,8%, 129,0% và 74,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy với các chỉ số: 114,7%, 105,2% và 102,4%; sản xuất đồ uống: 110,5%, 113,4% và 105,4%; sản xuất xe có động cơ: 109,0%, 122,2% và 78,4%; sản xuất trang phục: 108,7%, 107,1% và 102,5%; dệt với 107,3%, 108,7% và 103,0%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho chưa an toàn là: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất với các chỉ số tương ứng là: 111,1%, 104,6% và 132,3%; sản xuất thiết bị điện: 105,2%, 118,6% và 117,7%; sản xuất thuốc lá: 104,1%, 106,2% và 118,6%; sản xuất kim loại: 96,1%, 95,2% và 112,3%./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam