Bứt phá trong đại dịch, ngành Bảo hiểm đạt kết quả rất tích cực

11:09 | 22/07/2021 Print
(TBTCVN) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành bị ngừng trệ. Không nằm ngoài vòng xoáy đó, ngành bảo hiểm Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức nhất định.

Tư vấn bảo hiểm cho khách hàng.

Tư vấn bảo hiểm cho khách hàng.

Tuy nhiên với nhiều giải pháp cùng sự nỗ lực của toàn ngành, thị trường bảo hiểm đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong năm 2020 và kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021.

Giải pháp vượt khó của doanh nghiệp bảo hiểm

Thị trường bảo hiểm (BH) phi nhân thọ đối tượng phục vụ chủ yếu là BH tài sản và trách nhiệm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, công sở cùng với BH sức khỏe cho người dân, người lao động trong doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu BH cũng như khả năng tham gia BH phi nhân thọ của khách hàng khi giao thông vận tải, du lịch, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu…, bị hạn chế.

BH nhân thọ với đối tượng là BH sức khỏe, tuổi thọ của cá nhân và gia đình, đại dịch Covid-19 tuy có làm gia tăng nhu cầu BH nhân thọ nhưng thực tế một bộ phận không nhỏ người dân bị giảm sút thu nhập đã ảnh hưởng đến việc đóng phí BH kể cả khi đã đến kỳ hạn.

Đặc biệt, thị trường BH còn gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng, tư vấn, chăm sóc khách hàng và giải quyết quyền lợi BH trong bối cảnh những tháng đầu năm 2020 giãn cách xã hội, cách ly toàn xã hội.

Sau khi thực hiện giãn cách xã hội, cuối tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, dịch vụ BH đã được dỡ bỏ hạn chế tiếp cận khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã kịp thời nắm bắt cơ hội để tăng cường khai thác BH, bù đắp lại thời gian không thể tiếp cận khách hàng.

Info1

Có thể nói trong cái khó ló cái khôn, hầu hết các DNBH đã đẩy mạnh đưa số hóa vào hoạt động kinh doanh, để vượt qua sự hạn chế tiếp cận khách hàng. Theo đó, khách hàng chỉ cần truy cập vào trang web của DNBH có thể tìm hiểu và tự xây dựng cho mình một giấy yêu cầu BH, một hợp đồng BH thích hợp để giao kết hợp đồng với DNBH.

Các DNBH, các tổng đại lý BH cũng đã kịp thời xây dựng được chương trình tư vấn BH trực tuyến cho khách hàng. Thông qua chương trình này, các khách hàng có nhu cầu BH đã được tư vấn BH trực tuyến và giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến hợp đồng BH.

Việc gửi giấy yêu cầu trả tiền BH, gửi hồ sơ để được chi trả quyền lợi BH cũng được thực hiện nhanh chóng qua các kênh trực tuyến trong vòng 24 giờ hoặc 72 giờ (với trường hợp phải thẩm định lại các chứng từ y tế), điều này đã mang lại sự thuận tiện và hài lòng cho khách hàng.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, cơ quan quản lý về BH đã chấp thuận cho các DNBH tổ chức đào tạo đại lý và tổ chức thi theo hình thức trực tuyến. Hầu hết các DNBH đã xây dựng và đưa vào sử dụng chương trình đào tạo, tổ chức thi trực tuyến, đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Minh hoạ

Bên cạnh đó, việc đào tạo định kỳ, hướng dẫn nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay chỉ việc” khi có sản phẩm mới, chính sách mới hoặc nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn là việc làm thường xuyên và để không gián đoạn trong thời gian cách ly, các DNBH đã xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến và được áp dụng thành công.

Các DNBH cũng triển khai cung cấp thông tin cho khách hàng qua tin nhắn hay thư điện tử như: thông tin chăm sóc khách hàng, thông báo đến kỳ hạn nộp phí, thông báo giải quyết quyền lợi BH, thông báo các chính sách hỗ trợ khách hàng…

Nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19, các DNBH đã thông tin đến khách hàng: mắc Covid-19 không phải là loại dịch bệnh bị loại trừ trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký kết, quyền lợi BH vẫn được đảm bảo. Nhiều DNBH còn áp dụng chi trả ngay quyền lợi BH trên 20 triệu đồng khi người được BH mắc Covid-19 hay chi trả theo ngày đối với khách hàng mắc Covid-19, giúp khách hàng vượt qua khó khăn, thêm tin tưởng vào BH.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai các chương trình thưởng đặc biệt cho đại lý có nhiều hợp đồng khai thác mới tại các địa phương chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo động lực cho các đại lý tiếp cận khách hàng và giúp nhiều khách hàng được bảo vệ hơn.

Kết quả kinh doanh ấn tượng

Các giải pháp trên đã giúp DNBH vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, kết thúc năm 2020, ngành BH đã đạt được nhiều kỳ tích. Tổng doanh thu phí BH toàn thị trường đạt 185.448 tỷ đồng, tăng trưởng 16,1%, trong đó lĩnh vực BH phi nhân thọ đạt 54.798 tỷ đồng, tăng 4%, BH nhân thọ đạt 130.650 tỷ đồng, tăng trưởng 22%. Tổng vốn chủ sở hữu của các DNBH đạt 103.500 tỷ đồng, tăng 27%; tổng dự phòng nghiệp vụ 355.500 tỷ đồng, tăng 25%; tổng tài sản 552.000 tỷ đồng, tăng 22%; các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế 465.000 tỷ đồng, tăng 24,5%; tổng chi trả quyền lợi BH đạt 48.223 tỷ đồng, tăng 10%.

Cụ thể, BH phi nhân thọ chỉ tăng trưởng một con số (4%) - kết quả này cũng phản ánh đúng thực trạng thị trường BH phi nhân thọ chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên các chỉ số khác đã chứng minh thị trường BH phi nhân thọ vẫn đảm bảo an toàn: dự phòng nghiệp vụ 18.472 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 11.546 tỷ đồng; chi trả quyền lợi BH đạt 23.023 tỷ đồng.

info2

Đối với lĩnh vực BH nhân thọ đã duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, với doanh thu đạt 130.650 tỷ đồng, tăng trưởng 22% (năm 2019 tăng trưởng 24%, tốc độ tăng trưởng giảm sút không đáng kể). Tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp BH nhân thọ đạt 81.654 tỷ đồng; dự phòng nghiệp vụ 337.028 tỷ đồng; tổng tài sản 458.000 tỷ đồng; tổng chi trả quyền lợi BH đạt 25.000 tỷ đồng. Điều này có thể thấy bảo hiểm nhân thọ vừa tăng trưởng, vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, các DNBH nhân thọ đã đầu tư vào nền kinh tế 410.000 tỷ đồng chủ yếu là vốn trung và dài hạn.

Doanh thu khai thác mới lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ năm 2020 đạt 41.948 tỷ đồng, tăng 22%, trong đó doanh thu sản phẩm chính đạt 37.064 tỷ đồng, tăng 21% (năm 2019 là 15%), phí bảo hiểm bình quân của 3.180.816 hợp đồng BH là 11,68 triệu đồng (bình quân chung là 11,22 triệu đồng). Doanh thu khai thác mới sản phẩm phụ là 4.652 tỷ đồng, tăng 29% (năm 2019 là 29%), phí bình quân của 22.880.176 hợp đồng bảo hiểm phụ là 400.000 đồng (bình quân chung là 571.200 đồng). Nhìn vào bảng Doanh thu phí bảo hiểm năm 2019 - 2020 đã chỉ rõ mức độ tăng trưởng doanh thu khai thác mới năm 2020 so với năm 2019 để thấy tác động của dịch Covid và những cố gắng của DNBH nhân thọ trong hoạt động kinh doanh BH.

Số lượng hợp đồng BH nhân thọ khai thác mới sản phẩm chính năm 2020 đạt 3.180.816 hợp đồng, tăng 17% (năm 2019 là 21%). Số lượng hợp đồng bảo hiểm sản phẩm chính đến cuối kỳ là 11.643.881 hợp đồng bảo hiểm, tăng 13% (năm 2019 là 11%). Số lượng hợp đồng bảo hiểm sản phẩm chính năm 2019 là 10.274.336 hợp đồng... Bảng thống kê Phí bảo hiểm khai thác mới 2019 - 2020 đã chỉ rõ kết quả hoạt động khai thác mới năm 2020 do tác động của đại dịch Covid -19.

Trên thị trường BH nhân thọ có 800.000 đại lý BH và 50% số đó là hoạt động (có doanh thu trong vòng 1 năm gần đây). Bình quân mỗi đại lý hoạt động năm 2020 đem về gần 8 hợp đồng BH sản phẩm chính khai thác mới, phục vụ thu phí BH 29 hợp đồng BH sản phẩm chính, đem về doanh thu 92,6 triệu đồng doanh thu khai thác mới sản phẩm chính và 200 triệu đồng doanh thu phí tái tục, chất lượng đại lý đã tốt hơn.

Ngoài hoạt động kinh doanh BH, các DNBH còn đóng góp trách nhiệm cộng đồng hơn 300 tỷ đồng, trong đó có hơn 100 tỷ đồng đóng góp chung tay cùng cộng đồng phòng chống Covid -19.

Kỳ vọng tăng trưởng năm 2021

Đầu năm 2021, đợt dịch thứ ba diễn ra tại Quảng Ninh, Hải Dương đã gây thiệt hại lớn; đợt dịch thứ tư tại Bắc Giang, Bắc Ninh bị ảnh hưởng nặng nề, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 31/5/2021. Khác với đợt dịch thứ nhất và thứ hai, năm nay Việt Nam khoanh vùng dịch, chỉ cách ly (Chỉ thị 16), giãn cách (Chỉ thị 15) những địa phương có ổ dịch nghiêm trọng hoặc truy vết lây nhiễm khó khăn. Vì vậy, hầu hết các địa phương còn lại tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng trưởng kinh tế vừa chống dịch quyết liệt.

Dự kiến đến giữa tháng 7, nền kinh tế - xã hội sẽ trở lại “bình thường mới”, do đó GDP vẫn có khả năng đạt chỉ tiêu đề ra 6,5%/năm khi nhiều nước đã thành công trong chống dịch, gỡ bỏ dần các rào cản kinh tế - xã hội. Vì vậy dự báo BH nhân thọ vẫn giữ được tăng trưởng 22% - 25%, BH phi nhân thọ sẽ ảnh hưởng hơn vì các cơ sở sản xuất kinh doanh sau khi ảnh hưởng của cách ly hoặc giãn cách xã hội sẽ phải khôi phục từ 3 đến 6 tháng. Do đó, BH phi nhân thọ sẽ tăng trưởng khoảng 4% - 6%.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần quyết liệt hơn nữa trong việc đàm phán mua vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và đẩy nhanh tiến độ để sản xuất vắc xin của Việt Nam. Kỳ vọng từ quý III/2021, Việt Nam sẽ tiêm vắc xin rộng rãi cho người dân, cuối quý III đầu quý IV Việt Nam sẽ sản xuất được vắc xin, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, theo đó kinh tế sẽ khôi phục và thị trường BH sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

(Nguồn: Đặc san Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2021)

Phùng Đắc Lộc - Chuyên gia kinh tế

Phùng Đắc Lộc - Chuyên gia kinh tế

© Thời báo Tài chính Việt Nam