VNBA kêu gọi các ngân hàng góp ý xây dựng Luật xử lý nợ xấu

09:22 | 22/07/2021 Print
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã kêu gọi các ngân hàng hội viên tập trung nghiên cứu và tham gia ý kiến đối với dự thảo đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

no xau

Việc xây dựng Luật về xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp thiết để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ngân hàng hiện nay. Ảnh: T.L.

Hiện tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng dự thảo đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm. Các tổ chức có trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Xử lý nợ xấu bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

VNBA cho biết, việc xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm rất quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, VNBA đề nghị các tổ chức hội viên tập trung nghiên cứu và tham gia ý kiến đối với dự thảo đề nghị xây dựng Luật trên.

Theo đề cương, dự thảo Luật dự kiến có 19 điều. Trong đó, một số điều khoản quan trọng đề cập các vấn đề: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; quyền thu giữ tài sản bảo đảm; xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; chuyển nhượng tài sản bảo đảm…

Theo dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc đề nghị xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, tạo cơ sở pháp lý và các cơ chế xử lý triệt để các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng.

Mục đích xây dựng Luật cũng nhằm tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, để đảm bảo sự an toàn, phát triển bền vững cho toàn hệ thống ngân hàng nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung.

Về quan điểm xây dựng văn bản, định hướng xây dựng Luật trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, dự thảo Luật được xác định là một văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu nhằm xử lý triệt để và hiệu quả nợ xấu của ngành ngân hàng. Đồng thời, dự thảo Luật được đặt ra yêu cầu cần khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm hiện nay./.

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam