Áp lực lạm phát sẽ gia tăng cuối năm, nhưng vẫn còn nhiều dư địa kiểm soát

19:42 | 21/07/2021 Print
Áp lực lạm phát sẽ gia tăng vào những tháng cuối năm, nhưng không gian cho chính sách tiền tệ khá rõ ràng và Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ. Kỳ vọng lạm phát trung bình 12 tháng vẫn sẽ thấp hơn mức mục tiêu là 4%.

Đây là nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI đưa ra tại Chương trình Tư vấn đầu tư chứng khoán với chủ đề "Kinh tế vĩ mô có cần cho đầu tư chứng khoán?” vừa tổ chức ngày 21/7/2021.

Áp lực lạm phát sẽ tăng vào cuối năm

Theo ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2021, không gian chính sách tài khóa của Việt Nam tốt hơn so với năm 2020, nhất là thời điểm đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu. Thời điểm đó, khi dịch bệnh xảy ra, nguồn thu và nguồn chi ngân sách đều tạo ra sự lo lắng vì rủi ro khá bất định do dịch Covid-19. Nhưng sang năm 2021, số liệu thu ngân sách 6 tháng đầu năm của Việt Nam là khá tốt, với con số hơn 58% và đang thặng dư. Chính vì vậy, năm nay, tác động tiêu cực của đại dịch tới người dân và doanh nghiệp có thể tăng lên, nhưng không gian chính sách tài khóa năm nay cũng sẽ tốt hơn so với năm ngoái.

Phạm Lưu Hưng
Ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc SSI Research chia sẻ tại Chương trình Tư vấn đầu tư do SSI tổ chức ngày 21/7.

Cũng theo ông Phạm Lưu Hưng, giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm dù còn khá thấp, nhưng cũng đã tốt hơn so với năm ngoái. Với quyết tâm của Chính phủ, vốn giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, ước tính giải ngân quý III có thể tăng 25%. “Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ tốt cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của quý III năm nay” – ông Hưng nói.

Liên quan đến lạm phát, chuyên gia của SSI Research cho rằng, nếu nhìn vào con số thì lạm phát Việt Nam nửa đầu năm thấp nhất từ trước tới nay, ngược lại với tình hình thế giới. "Số liệu thấp như vậy một phần là do rổ hàng hóa ở Việt Nam có tỷ lệ lượng thực, thực phẩm, đồ uống rất cao. Trong nửa đầu năm, Việt Nam chịu hai đợt dịch Covid-19 nên áp lực tăng giá với mặt hàng thực phẩm thấp dẫn tới lạm phát nửa đầu năm thấp" – ông Hưng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của SSI Research, cũng cần phải lo lắng về lạm phát nửa cuối năm. Nếu dịch bệnh được xử lý trong quý III và có sự mở cửa nội địa trong quý IV thì giá các mặt hàng lương thực - thực phẩm sẽ tăng trở lại vào quý III và lạm phát sẽ tăng vào quý IV. Đồng thời lúc đó, trường học bắt đầu mở cửa, các nhà hàng hoạt động thì áp lực sẽ làm cho nhóm này tăng. Mặt khác, hàng hóa nhạy cảm như xăng dầu có khả năng sẽ tăng giá khi số dư quỹ bình ổn đang ở mức thấp. Như vậy, áp lực lạm phát là hiện hữu và có thể cao hơn vào nửa cuối năm.

Vẫn còn dư địa kiểm soát lạm phát cả năm

Mặc dù vậy, theo ông Phạm Lưu Hưng, kỳ vọng lạm phát trung bình 12 tháng vẫn sẽ thấp hơn mức mục tiêu là 4%. Do vậy, không gian cho chính sách tiền tệ khá rõ ràng và Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ mà không lo lạm phát cao như các nước trên thế giới.

Còn theo ông Lê Quý Hải - Phó giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI, Việt Nam đang đặt mục kiểm soát lạm phát và có nhiều dư địa để kiểm soát. Năm nay, Việt Nam đang quản lý chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu lạm phát rất chặt chẽ. Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng rất thận trọng, thậm chí còn giao theo quý. Tuy nhiên vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại.

"Việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế vẫn sẽ được tiếp diễn trong nửa cuối năm. Nhà đầu tư có thể quan tâm tới một số nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp tới giải ngân đầu tư công như bất động sản, vật liệu xây dựng, hạ tầng và các nhóm hưởng lợi gián tiếp như ngân hàng, nhờ tăng giải ngân tín dụng" – ông Hải phân tích thêm./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam