Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động do dịch Covid-19: Không để phát sinh thủ tục làm chậm triển khai

22:21 | 09/07/2021 Print
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đề nghị: “Việc triển khai hỗ trợ phải thực hiện nhanh chóng, không được phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào. Phải chủ động trong việc xác nhận, tiếp nhận hồ sơ đề nghị, không để tình trạng nhận hồ sơ rồi trả lại đề nghị bổ sung".

hoi nghgi

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh:BHXHVN

Chiều 9/7, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (SDLĐ) theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đình Liệu cho biết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết này, BHXH Việt Nam đã tham mưu các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành BHXH Việt Nam gồm: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, ngành cũng thực hiện xác nhận trong 6 chính sách hỗ trợ thiết thực khác liên quan đến NLĐ và người SDLĐ.

Trên tinh thần đó, BHXH ban hành Công văn số 1988/BHXH-TST để thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn trong toàn ngành về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Tại văn bản này, BHXH Việt Nam hướng dẫn cụ thể, chi tiết các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện 5 quy trình: tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; xác nhận danh sách NLĐ tham gia đào tạo; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, danh sách NLĐ ngừng việc, danh sách lao động; giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Để thực hiện các quy trình này, các đơn vị có thể nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH qua giao dịch điện tử, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc gửi hồ sơ giấy (trường hợp chưa giao dịch điện tử).

Thời hạn giải quyết không quá 4 ngày làm việc

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, tất cả quy trình nộp hồ sơ, nhận hỗ trợ… được hướng dẫn chi tiết trên tinh thần đơn giản hóa tối đa các thủ tục với phương châm thông thoáng nhất để NLĐ và người SDLĐ tiếp cận chính sách dễ dàng nhất nhưng vẫn đúng luật. Vì vậy, các quy trình thực hiện thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam cũng được rút ngắn tối đa.

Theo Công văn số 1988/BHXH-TST, BHXH Việt Nam yêu cầu thời hạn giải quyết quy trình thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 4 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Việc xác nhận danh sách NLĐ tham gia đào tạo, thời hạn giải quyết không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, yêu cầu xử lý ngay trong ngày nhận được quyết định hỗ trợ đào tạo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-BT&XH) hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc kế tiếp. Xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách NLĐ ngừng việc thời hạn giải quyết không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh: “Việc triển khai hỗ trợ phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, không được phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và công văn hướng dẫn của ngành. Phải chủ động trong việc xác nhận, tiếp nhận hồ sơ đề nghị, không để tình trạng nhận hồ sơ rồi trả lại đề nghị bổ sung”.

Là đơn vị được giao chủ trì công tác thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trong toàn ngành BHXH Việt Nam, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ lưu ý, BHXH các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu kỹ các văn bản trong tổ chức thực hiện để xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ và có phương án thực hiện khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình từng địa phương. Đồng thời, đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố phải thực hiện nghiêm công tác báo cáo theo ngày về BHXH Việt Nam; đặc biệt là các vướng mắc để được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Để triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ được hiệu quả, BHXH Việt Nam thực hiện giao nhiệm vụ cụ thể, phân cấp, phần quyền và trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị và BHXH các tỉnh, thành phố trong toàn hệ thống. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, giám đốc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu toàn ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về các chính sách hỗ trợ; tăng cường công tác hướng dẫn, trả lời câu hỏi, vướng mắc liên quan của người lao động và người sử dụng lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, xác nhận đối tượng hỗ trợ và báo cáo, tổng hợp…/.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam