Ngân hàng Phát triển Việt Nam: 15 năm đồng hành cùng đất nước

22:26 | 30/06/2021 Print
Thực hiện nhiệm vụ chính trị Chính phủ giao, giai đoạn từ năm 2006 đến tháng 5/2021, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã huy động được gần 610.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ trái phiếu Chính phủ bảo lãnh hơn 370.000 tỷ đồng - chiếm gần 61% tổng số vốn huy động.

Chủ lực thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ 1/7/2006. Trải qua 15 năm xây dựng và trưởng thành, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể..., đặc biệt là các doanh nghiệp, VDB đã từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao với vai trò là ngân hàng chính sách của Chính phủ.

nha-may-thuy-dien-lai-chau-2.jpg
Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu dự án sử dụng nguồn vốn vay vốn từ VDB. Ảnh: TL

Giai đoạn từ năm 2006 đến tháng 5/2021, VDB đã huy động được gần 610.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ trái phiếu Chính phủ bảo lãnh hơn 370.000 tỷ đồng - chiếm gần 61% tổng số vốn huy động. Tăng trưởng nguồn vốn bình quân của VDB giai đoạn 2006 - 2020 đạt 5,8%/năm. Tính chung, vốn đầu tư phát triển do VDB cho vay trong giai đoạn 2006 - 2020 chiếm khoảng 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng 2% GDP. Tín dụng của VDB đã được đẩy mạnh đáng kể với tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ bình quân giai đoạn 2006 - 2020 đạt gần 3,15%/năm, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dự án của các doanh nghiệp, góp phần giải quyết nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của nền kinh tế.

Là tổ chức phát hành trái phiếu lớn thứ hai sau Kho bạc Nhà nước, trái phiếu do VDB phát hành thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn, thị trường trái phiếu nói riêng thông qua việc bổ sung thêm các sản phẩm tài chính, tăng quy mô thị trường (vốn trái phiếu của VDB đóng góp 2,56% vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, chiếm khoảng 0,94% GDP).

Với vai trò là ngân hàng thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư của Nhà nước, giai đoạn 2006 - 2021, VDB đã giải ngân vốn tín dụng đầu tư hơn 205 nghìn tỷ đồng. Trong đó, quản lý cho vay gần 200 chương trình, dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước; gần 400 dự án ngành điện; hơn 30 dự án ngành xi măng; gần 650 dự án lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu và trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp…; 310 dự án an sinh xã hội (trường học, bệnh viện, xử lý rác thải, cấp nước sạch, nhà ở xã hội…).

Các dự án VDB cho vay đầu tư là những dự án thuộc các ngành, lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích phát triển như: sản xuất điện, thép, xi măng, phân bón...; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước, phát triển quỹ nhà ở tập trung, bảo vệ môi trường; các dự án phát triển nông thôn (phát triển giống thuỷ sản, giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng cơ sở chế biến gia súc, gia cầm tập trung); các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa giáo dục, y tế...; các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Phần lớn những dự án vay vốn tín dụng đầu tư tại VDB có tổng mức đầu tư lớn, thời gian đầu tư và thu hồi vốn kéo dài mà các ngân hàng thương mại ít cho vay, vì không đủ tiềm lực tài chính hoặc không muốn gánh chịu rủi ro. Do đó, việc tiếp cận được với nguồn vốn của VDB đã góp phần giúp cho các chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng: Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH, Hệ thống tải điện miền Trung, miền Nam... Đồng thời, đem lại những hiệu quả rất lớn về mặt an sinh xã hội.

Về cho vay tín dụng xuất khẩu, VDB đã cho vay hơn 145.000 tỷ đồng, doanh số tập trung vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (khoảng 70- 80%). Thông qua nguồn vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu thuộc đối tượng vay vốn đã thực hiện được các hợp đồng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đến các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi.

VDB cũng đã cấp hỗ trợ sau đầu tư hơn 1.648 tỷ đồng, thời hạn hỗ trợ cho các dự án theo hợp đồng từ 5 năm đến 11 năm. Phần lớn các dự án được hỗ trợ sau đầu tư là các dự án đầu tư thiết bị thi công xây dựng, đầu tư xây dựng thủy điện, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải công cộng, đầu tư dây chuyền sản xuất trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản từ nguồn nguyên liệu trong nước. Bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh, VDB đã phát hành 1.536 chứng thư bảo lãnh với tổng vốn vay được bảo lãnh hơn 10.692 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực quản lý vốn vay nước ngoài của Chính phủ và hợp tác quốc tế, VDB thực hiện rất hiệu quả. VDB đang quản lý 377 dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, với tổng số vốn tương đương 17,23 tỷ USD, gấp 4,47 lần so với năm 2000 và gấp 2,6 lần so với thời điểm đi vào hoạt động (1/7/2006).

Với những kết quả đã đạt được trong 15 năm qua, VDB đã khẳng định rõ nét vai trò ngân hàng chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đất nước từng thời kỳ. VDB đã tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; khuyến khích phát triển kinh tế tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn…, qua đó góp phần nâng cao dịch vụ công và đảm bảo an sinh xã hội theo các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các chương trình kinh tế của Chính phủ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

15 năm đồng hành cùng đất nước, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động, VDB có những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động và thực hiện nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao. Do những quy định về mô hình hoạt động và khung chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ, chậm được đổi mới nên hoạt động của VDB kém linh hoạt so với các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng khác, rủi ro pháp lý cao, quyền tự chủ của VDB bị hạn chế bởi nhiều quy định giới hạn trong huy động vốn, cho vay, thu hồi và xử lý nợ.

cao-tốc-hà-nội-hải-phòng.jpg
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng VDB cấp vốn đầu tư. Ảnh: TL

Mặt khác, từ năm 2006 đến nay, chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước đã có sự thu hẹp đáng kể về đối tượng cho vay cũng như các điều kiện ưu đãi làm hạn chế vai trò của VDB trong việc cung ứng vốn đầu tư cho nền kinh tế, nhiều loại dự án, mặt hàng thuộc lĩnh vực tài trợ của VDB trước đây phải chuyển sang sử dụng các nguồn vốn khác. Đặc biệt, từ khi Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực, đến nay VDB không thể cho vay dự án mới bởi nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ. Quy chế xử lý rủi ro chưa được ban hành trong khi nợ xấu, nợ quá hạn có xu hướng gia tăng.

Thực hiện Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2021 theo Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, VDB thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại các hoạt động theo hướng dừng một số hoạt động nghiệp vụ (tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ sau đầu tư và bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại…), tập trung vào hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước và quản lý, cho vay lại vốn ODA; cơ cấu lại tài chính; củng cố, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành; tích cực triển khai xử lý nợ xấu..., nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục củng cố là ngân hàng chính sách của Chính phủ, hoạt động chuyên nghiệp, thực thi có hiệu quả chính sách tín dụng của Nhà nước.

Mục tiêu phát triển đã rõ, VDB phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, phấn đấu đến 2025, nguồn vốn bình quân tăng khoảng 2%, quy mô tài sản ước đạt 300.000 tỷ đồng. VDB đang tích cực nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện Đề án mô hình hoạt động của VDB sau năm 2021 theo hướng tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động để thực hiện có hiệu quả vai trò hỗ trợ phát triển nền kinh tế.

Theo đó, VDB đã và đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực vận hành hoạt động VDB thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Quyết liệt thực hiện các giải pháp tái cơ cấu hoạt động, xây dựng mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả, phù hợp với đặc điểm hoạt động của VDB trong và sau giai đoạn cơ cấu lại nhằm củng cố và phát huy vai trò, vị thế của VDB là công cụ của Chính phủ trong thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện, ban hành đồng bộ, đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn quy trình, quy chế về hoạt động nghiệp vụ VDB. Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm hiện đại trong quản lý hoạt động VDB.

Tiếp tục tập trung vào các hoạt động chính là tín dụng đầu tư của Nhà nước và quản lý nguồn vốn ODA của Chính phủ ủy thác cho vay lại theo định hướng phải phát huy được vai trò “hỗ trợ” góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ, đầy đủ, đúng thực tế. Tăng cường công tác thẩm định, quản lý, giám sát vốn vay, tài sản đảm bảo chặt chẽ; quyết liệt đôn đốc thu hồi nợ và xử lý nợ xấu; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, đảm bảo tính tuân thủ trong hoạt động tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Để VDB có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, VDB mong muốn cấp có thẩm quyền sớm bổ sung một số cơ chế phù hợp như: Ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2017/NĐ-CP tạo sự ưu đãi giữa nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thương mại vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, vừa đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động cho VDB. Ban hành quy chế xử lý rủi ro tín dụng của VDB, theo hướng Nhà nước cho phép VDB được quyền chủ động xử lý các khoản nợ xấu phát sinh theo mô hình hoạt động mới phù hợp với quy định chung áp dụng đối với các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ nguồn lực cho VDB về vốn điều lệ, vốn cho VDB vay theo quy định của pháp luật; cấp bảo lãnh Chính phủ để VDB phát hành trái phiếu và huy động vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước; có hướng dẫn cụ thể để VDB có thể tham gia thị trường liên ngân hàng, thị trường mở, được tái cấp vốn, hoạt động ngoại hối..., nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động tín dụng Nhà nước qua VDB.

VDB đã và đang bước vào một chặng đường mới góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Một chặng đường mới với mục tiêu to lớn hơn, thách thức cũng nhiều hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, người lao động VDB phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng thành công một Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện đại, phát triển bền vững./.

Đào Quang Trường - Tổng Giám đốc VDB

Đào Quang Trường - Tổng Giám đốc VDB

© Thời báo Tài chính Việt Nam