Vì sao tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do bật tăng?

19:04 | 30/06/2021 Print
Tuần qua, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại giữ nguyên, nhưng bật tăng 185 đồng/USD chiều mua vào và 145 đồng/USD chiều bán ra trên thị trường tự do. Nguyên nhân được cho là do sự chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới nới rộng.

Chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua của SSI Research cho biết, trong tuần, thị trường mở không có giao dịch mới, lãi suất trên liên ngân hàng nhích nhẹ, chốt tuần ở mức 1,227%/năm (tăng 9 điểm cơ bản (bps)) với kỳ hạn qua đêm và 1,366%/năm (tăng 3bps) với kỳ hạn 1 tuần.

Theo các chuyên gia này, các ngân hàng thương mại hạn chế cung nguồn VND khi thời điểm cuối quý đang đến gần có thể khiến lãi suất liên ngân hàng tiếp tục nhích lên trong tuần này.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1%, đồng nghĩa với các tổ chức tín dụng đã bơm ra nền kinh tế khoảng 469 nghìn tỷ đồng – cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng đang khá mạnh, nếu các ngân hàng thương mại được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, thì tăng trưởng nửa đầu năm 2021 có thể ở mức 6%. Trong tuần, Vietcombank đã điều chỉnh tăng 20bps đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng lên mức ngang bằng 3 ngân hàng thương mại nhà nước khác sau khi duy trì mặt bằng thấp hơn suốt từ đầu năm đến nay.

“Môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp và chúng tôi giữ nguyên quan điểm lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 50bps trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2021” – chuyên gia SSI Research cho hay.

Tỷ giá bật tăng mạnh trên thị trường tự do

Trong tuần qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Powell khẳng định, cơ quan này sẽ không tăng lãi suất chỉ bởi nỗi lo lạm phát. Chỉ số lạm phát lõi tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 của Mỹ tăng 0,5% so với tháng trước và 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng nằm trong mức kỳ vọng của thị trường.

Cùng với đó, cán cân vãng lai của Mỹ thâm hụt tới 195,7 tỷ USD trong quý I/2021 – mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 2007. Đồng USD hạ nhiệt, chỉ số DXY giảm từ mức đỉnh 2 tháng (92,2) xuống đi ngang quanh mức 91,8 điểm; hầu hết các đồng tiền hồi phục nhẹ so với USD ngoại trừ các đồng tiền khu vực châu Á (CNY -0,05%; TWD – 0,45%, INR -0,44%; JPY – 0,49%; THB -1,03%...) do diễn biến dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp.

tỷ giá

Tại Việt Nam, báo cáo của SSI Research cho biết, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại giữ nguyên ở mức 22.880/23.110 đồng (mua vào/bán ra) nhưng bật tăng 185 đồng/USD chiều mua vào và 145 đồng/USD chiều bán ra trên thị trường tự do, lên mức 23.280/23.310 đồng.

Trong khi giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng trong nước vẫn đi ngang trong tuần vừa qua khiến cho chênh lệch giá vàng trong nước - giá vàng thế giới lại nới rộng từ mức 4 triệu đồng/lượng lên hơn 7 triệu đồng/lượng và tác động đến tỷ giá trên thị trường tự do.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, cung cầu ngoại tệ trong nước khá cân bằng, dòng kiều hối và FDI vẫn khá tích cực nên tỷ giá USD/VND sẽ vẫn ổn định trong dài hạn nhưng có thể chịu áp lực tăng trong ngắn hạn do nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của một số doanh nghiệp nước ngoài vào thời điểm cuối quý./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam