Nâng cao vai trò của BHTGVN trong tái cơ cấu TCTD

18:41 | 30/06/2021 Print
Được thành lập năm 1999 và đi vào hoạt động năm 2000, BHTGVN là tổ chức duy nhất được giao làm đầu mối triển khai chính sách BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Hiện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đang bảo vệ cho hơn 5,7 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG; thực hiện có hiệu quả các nghiệp vụ BHTG như: Cấp Chứng nhận tham gia BHTG; thu phí, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, kiểm tra, giám sát các tổ chức tham gia BHTG.

Đặc biệt, đóng góp tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các QTDND yếu kém theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2017.

Cụ thể, Luật trao cho BHTGVN một số nhiệm vụ mới để tham gia vào quá trình tái cơ cấu như: Cho vay đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét, quyết định.

Như vậy, các nhiệm vụ mà Luật Các TCTD sửa đổi (2017) giao cho BHTGVN chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ cho sự phục hồi của các TCTD, đặc biệt là các TCTD quy mô vừa và nhỏ như QTDND. Đồng thời, thể hiện rõ vai trò của BHTGVN là công cụ quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền.

Trong thời gian tới, BHTGVN cho biết, để hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, cần triển khai thực hiện một số nội dung sau:

b
BHTGVN là công cụ quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền.

Thứ nhất, các cơ quan chức năng sớm tổng kết Luật BHTG, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHTG phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế; từ đó nâng cao năng lực của BHTGVN để có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình xử lý các TCTD yếu kém, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng;

Thứ hai, Chính phủ sớm ban hành Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Để triển khai có hiệu quả Chiến lược, BHTGVN cần chủ động xây dựng Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Chiến lược nhằm triển khai ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, BHTGVN tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 định hướng đến 2030 theo quyết định của NHNN.

Cụ thể, tham gia tái cơ cấu TCTD theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cảnh báo rủi ro và xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt là các QTDND có vấn đề.

Thứ tư, nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN thông qua việc tính và thu phí BHTG theo quy định; đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa công nghệ thông tin, ngày càng phát huy vai trò của tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định, an toàn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, nhất là các QTDND. Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông nhằm phổ biến chính sách BHTG đến công chúng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - địa bàn hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.

Từng bước nâng cao vai trò, đổi mới hoạt động, BHTGVN thực sự trở thành công cụ chính sách hữu hiệu góp phần duy trì sự ổn định và phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD; bảo vệ tốt quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, từ đó nâng cao niềm tin công chúng, đóng góp có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD./.

PV

PV

© Thời báo Tài chính Việt Nam