Bảo hiểm xã hội Hà Nội: Đưa chính sách đến với người dân qua đại lý thu

10:53 | 28/06/2021 Print
(TBTCVN) - Đại lý thu được coi là “cánh tay nối dài” của cơ quan bảo hiểm xã hội để các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với người dân. Trong bối cảnh phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện vô cùng khó khăn, việc phát triển hoạt động của đại lý thu là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu...

13

Người dân nhận lương hưu tại huyện Đan Phượng, Hà Nội.

“Cánh tay nối dài” của cơ quan bảo hiểm xã hội

Một trong những giải pháp trọng tâm mà Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là mở rộng đại lý thu. Đại lý thu được coi là “cánh tay nối dài” của cơ quan BHXH để đến với người dân gần gũi hơn. Đến nay, trên địa bàn toàn thành phố đã có 657 đại lý thu với 1.538 điểm thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), với 2.245 nhân viên phủ sóng rộng khắp từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, đại lý y tế, Mặt trận Tổ quốc, bưu điện, UBND xã, đại lý ban quản lý chợ… Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm cơ quan BHXH đều có đánh giá kết quả từng đại lý thu để đôn đốc kịp thời.

Để nâng cao hiệu quả của đại lý thu, BHXH thành phố đã tổ chức nhiều lớp đào tạo để nhân viên đại lý thu kịp thời hiểu rõ quy định mới, phương pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, BHXH thành phố còn giao chỉ tiêu cụ thể để BHXH huyện giao chỉ tiêu đến từng đại lý thu, yêu cầu mỗi tháng mỗi đại lý phải vận động được tối thiểu 1 đối tượng tham gia mới.

Khi được giao chỉ tiêu, nhân viên đại lý thu và cả cơ quan BHXH đã thực hiện phương châm “bám làng, bám dân”, gặp gỡ, tiếp xúc với các nhóm đối tượng tiềm năng để tư vấn cho người dân hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, nhân viên đại lý thu, nhân viên BHXH đã tổ chức hàng nghìn cuộc vận động tới từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện với thái độ giao tiếp lịch sự, ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, nhấn mạnh những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, BHXH thành phố cũng đa dạng các hình thức truyền thông, đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện xuống từng phường, thôn, xóm.

Tạo cơ chế để đại lý thu hoạt động chuyên nghiệp

Là đại lý thu tích cực của xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, chị Lê Thị Thanh Hiền cho biết, để làm được một đại lý thu hiệu quả, chiếm được cảm tình, niềm tin của người dân, giúp họ tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, nhân viên đại lý phải là người kiên trì, nhẫn nại, có tinh thần trách nhiệm cao, thực sự nhiệt tình và tâm huyết với công việc. Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT không chỉ đơn thuần là tìm đến nhà vận động, gặp người dân nhiều hay ít lần, mà quan trọng hơn cả là thông qua tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người dân, khiến họ tin tưởng, cảm thấy thoải mái và yên tâm, tự nguyện tham gia. Muốn vậy, người làm đại lý thu phải gần gũi với bà con, nắm bắt, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các gia đình, từ đó tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu"; có những dẫn chứng phù hợp bằng người thực, việc thực tại địa bàn thôn, xóm, thì đối tượng mới hiểu được lợi ích, ý nghĩa thiết thực mà tham gia BHXH, BHYT.

Cũng theo chị Hiền, nhân viên đại lý phải là người cập nhật nhanh nhất những điểm mới, những thay đổi của các chính sách, từ đó sẵn sàng giải đáp, tư vấn hợp lý, làm thỏa mãn và tạo sự yên tâm cho những người tham gia bảo hiểm và mọi người dân.

Năm 2021, BHXH thành phố Hà Nội được giao chỉ tiêu phát triển 85.069 người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến hết tháng 4/2021, toàn thành phố đã phát triển được 50.005 người, đạt 59% kế hoạch. Như vậy, từ nay đến hết năm, BHXH thành phố Hà Nội cần phát triển thêm 35.064 người tham gia tự nguyện để hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, trong thời gian tới, BHXH thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phổ biến pháp luật về BHXH tự nguyện, theo hướng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường truyền thông chính sách BHXH tự nguyện sâu hơn, sát hơn đến từng hộ dân. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ tạo niềm tin cho người tham gia và thụ hưởng BHXH.

Đồng thời, BHXH hướng dẫn kỹ năng tiếp cận, tư vấn, thuyết phục, vận động... cho hệ thống đại lý thu; mở rộng mạng lưới đại lý để người dân dễ dàng tiếp cận và được tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện. Ngoài ra, BHXH thành phố cũng tạo cơ chế thuận lợi giúp các đại lý thu hoạt động mang tính chuyên nghiệp, coi đó là một nghề để có thu nhập ổn định thường xuyên. Như vậy nhân viên đại lý thu sẽ chuyên tâm hơn vào việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Năm 2020, số người tự nguyện tham gia Bảo hiểm xã hội tăng 37,6%


Ngoài việc truyền thông trên các phương tiện thông tin, đại chúng; hàng năm Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố, BHXH huyện đều thực hiện tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền về BHXH tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình đến các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, khu chợ, các tổ hợp tác tiểu thủ công, các làng nghề… Nhờ vậy, dù trong bối cảnh phát triển BHXH tự nguyện vô cùng khó khăn trên toàn quốc, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mà Hà Nội đạt được rất ấn tượng. Năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 48.674 người, tăng 37,6% tương ứng tăng 13.311 người so với năm 2019.

Hà Dũng

Hà Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam