Thấp thỏm lạm phát cuối năm

19:12 | 26/06/2021 Print
(TBTCVN) - Một số dấu hiệu giá cả đặt ra mối lo ngại lạm phát có thể gia tăng vào cuối năm. Nhưng giới chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng vẫn có thể có những giải pháp để “ghìm cương” lạm phát. giá cả thực phẩm trên thế giới gia tăng cũng đang gây ra ảnh hưởng lên lạm phát tại Việt Nam.

11

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Bấp bênh lạm phát

Diễn biến thị trường thép những ngày gần đây cho thấy, giá cả mặt hàng này có phần hạ nhiệt, các doanh nghiệp đã 2 lần giảm bán trong tháng 6. Tuy nhiên, mặt bằng giá vẫn còn cao so với thời điểm cuối năm 2020. Đối với giá xăng dầu, lần điều chỉnh gần đây nhất mỗi lít xăng E5 RON92 tăng 620 đồng, RON 95 tăng 630 đồng; các mặt hàng dầu tăng 590 - 680 đồng mỗi lít, hoặc kg. Trước đó, giá xăng dầu trong nước cũng đã điều chỉnh tăng trong tháng 5 (giá xăng E5RON92 tăng 438 đồng/lít, giá xăng RON95-III tăng 370 đồng/lít, dầu hỏa tăng 566 đồng/lít).

Trao đổi với phóng viên TBTCVN mới đây, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế thuộc Học viện Tài chính cho biết, những yếu tố nguyên vật liệu đầu vào tăng đương nhiên gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát cao hay thấp cũng phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh và các kịch bản tăng trưởng. Theo đó trong cùng một bối cảnh kinh tế, chúng ta nếu muốn giữ đạt tốc độ tăng trưởng cao thì có thể cũng sẽ phải chấp nhận “hiệu ứng phụ” là sự gia tăng lạm phát.

Dưới góc nhìn của một tổ chức quốc tế về nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% trong năm 2021 và 7,3% năm 2022. Tuy nhiên, Standard Chartered cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ có thể làm gia tăng lạm phát và giá cả thực phẩm trên thế giới gia tăng cũng đang gây ra ảnh hưởng lên lạm phát tại Việt Nam.

Ngoài các yếu tố giá cả trong nước, nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát cũng là một mối lo ngại được giới chuyên gia đặt ra. Thời gian qua, các nước trên thế giới đều đưa ra gói kích thích kinh tế khiến cho đồng tiền của nhiều quốc gia bị mất giá dẫn đến lạm phát.

Ngay cả đồng USD cũng đang phải chịu áp lực mất giá và nền kinh tế Mỹ cũng đối diện với lạm phát. Chi nhánh New York của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa qua cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5/2021 đã tăng lên 5%, cao hơn so với mức 3,6% trong tháng 4/2021.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Diễn biến chung là vậy, nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước gần đây cho biết một số yếu tố tăng giá là có, nhưng tình hình lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát.

Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, bối cảnh chung trên thế giới cho thấy, giá dầu thô WTI đến nay đã tăng 46,6% so với cuối năm 2020; chỉ số giá lương thực – thực phẩm FAO đến tháng 5 tăng 17,2% và được dự báo giữ ở mức cao. “Thị trường lo ngại về rủi ro lạm phát và rủi ro bất ổn tài chính, gia tăng kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương thu hồi các biện pháp nới lỏng sớm hơn dự kiến” - ông Hà nhận định.

Đối với nền kinh tế trong nước, GDP 6 tháng đầu năm 2021 được dự báo tăng khoảng 5,8% và theo đại diện Ngân hàng Nhà nước thì rủi ro lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát. Cụ thể, lạm phát bình quân 5 tháng so với cùng kỳ là 1,29% - thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng so với cùng kỳ là 0,82% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2003. Theo đó trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%.

Ở góc độ một chuyên gia kinh tế độc lập, ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết thêm, việc kiểm soát lạm phát cũng cần chú ý đến việc kiểm tra, giám sát chặt đầu vào của hàng hóa nhập khẩu để đề phòng lạm phát do tâm lý. Điều này có nghĩa là thực tế việc tăng giá có thể có, nhưng bị giới đầu cơ tranh thủ “té nước theo mưa”, thổi phồng lên so với thực tế.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm

“Trong quý II/2021, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2020.”

Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN


Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam