‘Bão Covid-19’ làm ‘virus nợ xấu’ thâm nhập sâu vào ‘cơ thể’ doanh nghiệp

11:45 | 23/06/2021 Print
Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lay lắt sinh tồn. Đặc biệt, với “cơn bão Covid-19” lần thứ 4 đã cho thấy “virus nợ xấu” đã hoàn tất việc thâm nhập vào “cơ thể doanh nghiệp”, đẩy nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ bị siết nợ, thậm chí tay trắng.

Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm: “Nợ xấu trong dịch Covid-19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp”, do Báo Tiền phong phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng ngày 23/6/2021.

“Bóng ma” nợ xấu ám ảnh quay lại

Theo thông tin tại cuộc tọa đàm, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, có thể nói đến lúc này, diện mạo bộ mặt ngành Ngân hàng đã sáng lên rất nhiều, khi tỉ lệ nợ xấu toàn ngành giảm dưới 3%.

Các ngân hàng đều có báo cáo tài chính “sạch”, nợ xấu không chỉ được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mà còn được chính các nhà băng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối. Tuy nhiên, với tác động của đại dịch Covid-19, “bóng ma” nợ xấu đang ám ảnh quay trở lại.

nợ xấu
Toàn cảnh tọa đàm diễn ra sáng 23/6/2021.

Theo ông Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bị ảnh hưởng trực diện vì Covid-19 trong hơn 1 năm qua, như: Đứt gãy dòng tiền do đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ trọng vay mượn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh vốn cao, nay không hoạt động được dẫn tới tình cảnh lay lắt sinh tồn. Đặc biệt, với “cơn bão” Covid-19 lần thứ 4, cho thấy “virus nợ xấu” đã hoàn tất việc thâm nhập vào “cơ thể” DN, đẩy nhiều DN vào tình thế có nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí hoàn toàn tay trắng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tính từ cuối năm 2017 đến ngày 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu, xác định theo Nghị quyết số 42. Tính trung bình đạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực).

Mặc dù vậy, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam phức tạp trở lại trong vài tháng gần đây, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người dân. “Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng” – Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng nói.

Ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc VAMC cũng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, nên VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, “đơn vị vẫn cố gắng tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng” – ông Thắng cho hay.

Theo thông tin từ VAMC, lũy kế từ khi thành lập đến hết 31/5/2021, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD xử lý nợ với kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 176.976 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.672 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31/5/2021.

Về hoạt động đấu giá khoản nợ/tài sản bảo đảm của khoản nợ: Lũy kế từ năm 2018 (là năm đầu tiên VAMC thực hiện hoạt động đấu giá) đến hết ngày 31/5/2021, VAMC đã tổ chức thực hiện đấu giá thành công 21 tài sản (là khoản nợ/tài sản bảo đảm của khoản nợ) với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.296 tỷ đồng.

“Gỡ vướng” cho nhiều vấn đề nổi cộm

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đã và đang đồng thuận tiếp tục tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạ lãi suất cho vay, miễn, giảm một số phí dịch vụ để chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp, người dân duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

Những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid vẫn sẽ tiếp tục được ngân hàng cho phép hoãn, giãn, tái cơ cấu khoản nợ theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN, qua đó giảm áp lực tài chính cho người dân cũng như cả ngân hàng.

“Trong báo cáo của các ngân hàng cho thấy, con số nợ xấu trong quý I/2021 khá tích cực trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN” sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần này, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành Ngân hàng” – ông Hùng nhấn mạnh.

Bàn về giải pháp, Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương tháo gỡ, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính trong quá trình triển khai theo chức năng – nhiệm vụ, nhất là khâu hướng dẫn triển khai đồng bộ, nhất quán và phối kết hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần vì cái chung.

TS. Cấn Văn Lực cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực tài chính – quản trị, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức này trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu.

Cuối cùng, “Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn” – TS. Cấn Văn Lực đề xuất./.

(Bài viết tuyên tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam