Tín dụng sẽ không đủ ‘nóng’ để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất

17:18 | 13/06/2021 Print
Thanh khoản ngân hàng sẽ bớt dư thừa khi tín dụng có dấu hiệu phục hồi trở lại. Mặc dù vậy, mức tăng của tín dụng sẽ không quá “nóng” và không đủ để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất nói chung trên thị trường.

Lãi suất có thể tăng từ đầu quý III tới

Theo báo cáo cập nhật dữ liệu vĩ mô tháng 5/2021 của SSI Research, tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa.

Cụ thể, tính đến ngày 21/5/2021, huy động chỉ tăng trưởng 2,68% trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 4,67% so với đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chỉ 2% của 5 tháng đầu năm 2020.

chênh lệch tiền gửi - tín dụng
Chênh lệch tổng tiền gửi - tổng tín dụng. Nguồn: SSI Research.

Chênh lệch tiền gửi - tín dụng thu hẹp khoảng 160 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020, thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa khiến lãi suất trên liên ngân hàng tăng thêm khoảng 35 – 53 điểm cơ bản (bps) so với thời điểm cuối tháng 4, duy trì quanh mức 1,3%/năm với kỳ hạn qua đêm, 1,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Tuy nhiên, cung cầu VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, Ngân hàng Nhà nước vẫn tạm ngừng giao dịch trên thị trường mở trong 3 tháng qua, đặc biệt sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7, 8 tới.

Các chuyên gia của SSI cho rằng, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng chính sách tiền tệ đang ở mức hợp lý, lãi suất (đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên) ở xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi về định hướng chính sách khi mà lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát. Bởi vậy, “chúng tôi chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc” – chuyên gia của SSI Research dự báo.

Tín dụng sẽ khó tăng “nóng”

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho hay, trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng nào. Lượng tín phiếu và OMO đang lưu hành tiếp tục đi ngang ở mức 0. Vì vậy, “về cơ bản, chúng tôi cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phải can thiệp qua các kênh OMO và tín phiếu của thị trường mở trong các tháng gần đây” – chuyên gia của BVSC cho hay.

lãi suất liên ngân hàng
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng. Nguồn: BVSC.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, lãi suất liên ngân hàng của 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng đồng loạt và vượt ngưỡng 1% (trong khoảng 1,24 - 1,41%). Mức lãi suất hiện tại đã cao hơn mức trung bình của năm 2020 (0,84% - 1,14%). Tuy nhiên, mặt bằng hiện tại vẫn đang thấp hơn hẳn so với trước khi có dịch Covid-19 (trung bình trong năm 2019 với cả 3 loại kỳ hạn trên đều cao hơn 3%). Diễn biến này cho thấy thanh khoản tại một số ngân hàng có thể đang có dấu hiệu thu hẹp.

Về tổng thể, các chuyên gia của BVSC cho rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 sẽ bớt dư thừa hơn so với năm 2020 khi tín dụng đang ghi nhận sự hồi phục trở lại.

Mặc dù vậy, trong thời gian tới, BVSC cho rằng, mức tăng của tín dụng sẽ không quá “nóng”, đủ để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất nói chung trên thị trường, khi Ngân hàng Nhà nước áp hạn mức tín dụng cho phần lớn các ngân hàng ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước và dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, với tăng trưởng lạm phát được đánh giá sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021, lãi suất được kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng thấp so với các năm 2019 trở về trước./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam