Ngân hàng giãn nợ, cần có tiêu chí xác định đối tượng

19:08 | 08/06/2021 Print
(TBTCVN) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp cơ cấu nợ để tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhưng có ý kiến cho rằng cần có tiêu chí rõ ràng hơn để xác định đúng đối tượng.

dn

Ngân hàng giãn nợ, tái cơ cấu nợ… được kỳ vọng sẽ là giải pháp nâng đỡ, tháo gỡ khó khăn hơn cho người dân và các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Cơ cấu nợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Đợt dịch lần thứ 4 diễn ra phức tạp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước. Thống kê của Bộ Y tế tính đến ngày 8/6 thì riêng đợt dịch mới, số ca mắc trong riêng đợt dịch lần này (từ ngày 27/4) đã cán mốc 6.000 ca.

Sự phức tạp của dịch bệnh theo đó không thể không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngành vận tải hành khách tháng 5/2021 chỉ đạt 287,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 14,9% so với tháng trước.

Khi thay đổi nhóm nợ từ nhóm rủi ro cao lên nhóm rủi ro thấp hơn thì lợi nhuận của các ngân hàng “bỗng nhiên” tăng lên trên sổ sách do các ngân hàng không phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ đã được “nhấc” từ nhóm này sang nhóm khác như trên.

Trong 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trước bối cảnh khó khăn như trên, việc ngành ngân hàng đưa ra những chủ trương giãn nợ, tái cơ cấu nợ… được kỳ vọng sẽ là giải pháp nâng đỡ, tháo gỡ khó khăn hơn cho người dân và các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt trong đợt dịch lần này.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác. Cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng khuyến nghị các ngân hàng thương mại công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Cũng trong động thái hỗ trợ của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Cần xác định đúng đối tượng

Chủ trương giãn nợ, cơ cấu nợ tuy về tổng thể sẽ có tác dụng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc giãn nợ cần có tiêu chí cụ thể để chính sách ưu đãi đến đúng đối tượng.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, chính sách giãn – tái cơ cấu nợ về nguyên tắc chỉ áp dụng cho các khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu không có tiêu chí rõ ràng thì các ngân hàng thương mại có thể sẽ thực hiện không giống nhau và có thể có yếu tố chủ quan khi xác định đối tượng.

Việc này có ý nghĩa rất quan trọng vì việc giãn nợ nếu thực hiện chủ quan và dễ dãi, không đúng đối tượng có thể dẫn đến những ảnh hưởng khác, ví dụ sẽ làm cho báo cáo tài chính của các ngân hàng trở nên đẹp hơn về mặt hình thức (nhưng hoạt động ngân hàng không tốt lên về bản chất). Ông Hiếu cho biết, có những khoản nợ bình thường lẽ ra xếp ở nhóm 4, nhóm 5; nhưng khi ngân hàng thực hiện tái cơ cấu cho giãn nợ thì các khoản nợ này sẽ được xếp lên các khoản nợ nhóm 1, nhóm 2. Theo đó khi thay đổi nhóm nợ từ nhóm rủi ro cao lên nhóm rủi ro thấp hơn thì lợi nhuận của các ngân hàng “bỗng nhiên” tăng lên trên sổ sách do các ngân hàng không phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ đã được “nhấc” từ nhóm này sang nhóm khác như trên.

Yêu cầu riêng tại các địa phương thuộc vùng dịch


Ngân hàng Nhà nước cũng có hướng dẫn riêng đối với các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly, phong tỏa (như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh,...).
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương rà soát, phối hợp chính quyền địa phương đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19; trên cơ sở đó xây dựng kịch bản của ngành ngân hàng, chủ động có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách cần phản ánh ngay về trung ương để được hướng dẫn, xử lý.

Chí Tín

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam