Việt Nam chịu ảnh hưởng thế nào nếu lạm phát ở Mỹ và các nước tăng cao?

10:59 | 30/05/2021 Print
Thế giới đang lo ngại lạm phát bùng lên khi mà Mỹ và các quốc gia tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh….Vậy có rủi ro nào về lạm phát với Việt Nam từ bên ngoài?

lam phat

Ảnh minh họa: TL

Trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề này, TS. Chu Thanh Tuấn (Đại học RMIT) cho rằng, Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi tác động của việc giá cả nguyên vật liệu đầu vào từ thế giới tăng.

Lạm phát thế giới tăng mạnh không chỉ là tạm thời

Phân tích rõ hơn nhận định này, TS. Chu Thanh Tuấn cho biết, Bộ Lao động của Mỹ ngày 12/5 vừa qua công bố CPI của nước này tăng 4,2% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. Trong khi đó, chỉ số lạm phát của nước Anh cũng tăng lên 1,5% trong tháng 4 từ mức 0,7% của tháng trước theo số liệu của Văn phòng Thống kê Vương quốc Anh vào ngày 19/5. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Tỷ lệ lạm phát tăng không chỉ ở hai nước kể trên mà còn xuất hiện ở nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, rất có thể nền kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng cạn kiệt về mọi thứ và dẫn đến một chu kì xác lập giá hàng hóa mới cao hơn rất nhiều trước đại dịch. Giá đồng, quặng, sắt và thép đều tăng trong những tháng gần đây do nguồn cung hạn chế trước nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hồi phục sau đại dịch.

Nhiều nhà sản xuất trong các lĩnh vực như sản xuất nệm, ô tô, giấy và nhôm đang mua nhiều vật liệu hơn mức họ cần để tồn tại với tốc độ chóng mặt, do nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi và nỗi sợ hãi ban đầu về cạn kiệt đang được xoa dịu. Hoạt động mua và tích trữ của doanh nghiệp đang đẩy chuỗi cung ứng đến bờ vực bị thu hẹp. Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông vận tải và giá cả tăng vọt gần đạt mức cao nhất trong trí nhớ của mọi người gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng sẽ gây ra lạm phát.

Đồng, quặng sắt, thép, ngô, cà phê, lúa mì, đậu nành, gỗ xẻ, chất bán dẫn, nhựa và bìa cứng để đóng gói tăng mạnh trong thời gian dài. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index (tổng hợp giá của 23 hàng hóa nguyên liệu đầu vào giao ngay) đã đạt mức kỉ lục kể từ năm 2011 vào đầu tháng 5. Chỉ số Baltic Dry Index (chỉ số vận chuyển thương mại) đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, tăng hơn 700% kể từ tháng 4/2020, phản ánh chi phí vận tải đường biển tăng rất mạnh trong một năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, giá cả tăng còn phản ánh nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh do nền kinh tế mở cửa trở lại ở các nước như Mỹ, Anh và châu Âu dựa trên những thành công bước đầu của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19. Hàng nghìn tỷ USD mà chính phủ Mỹ đã bơm vào nền kinh tế cộng với số tiết kiệm thặng dư khổng lồ của người dân sẽ làm sức cầu bị nén trong thời gian dài dần bung ra, trong khi nút thắt về nguồn cung và lao động chưa thể đáp ứng và phục hồi kịp.

Mặc dù một số quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng, CPI tăng cao chỉ là hiện tượng tạm thời, các chuyên gia kinh tế thì nhận định rằng các lực đẩy tăng giá chưa cho thấy những dấu hiệu giảm nhiệt trong ngắn hạn, các đoạn thắt đối với đầu cung hiện tại có thể kéo dài hơn dự đoán. Những điều này có thể làm cho việc lạm phát tăng mạnh trong tháng 4 ở nhiều nước không chỉ là tạm thời.

Mục tiêu lạm phát dưới 4% của Chính phủ vẫn nằm trong tầm kiểm soát

Theo TS. Chu Thanh Tuấn, Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn nên sẽ không tránh khỏi tác động của việc giá cả nguyên vật liệu đầu vào từ thế giới tăng. Điều này đã và đang thể hiện thông qua giá của một số hàng hóa nội địa tăng lên. Từ đó, lạm phát sẽ bị đẩy lên trong năm nay.

Tuy nhiên, Việt Nam có một số điểm đặc thù khác với tình hình hiện tại trên thế giới. Đầu tiên, Việt Nam khó có khả năng bùng nổ tiêu dùng nội địa do dịch bệch đang được giữ trong tầm kiểm soát. Khi dịch bệnh được khoanh vùng và khống chế cục bộ, khả năng người dân chi tiêu mạnh mẽ như các nước Mỹ, Anh và châu Âu là khó xảy ra.

“Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam so với các nước trên thế giới hiện là khá thấp cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, dẫn đến khả năng mở cửa lại các dịch vụ du lịch và hàng không với bên ngoài còn bỏ ngỏ. Cần biết rằng các dịch vụ này cũng là tác nhân tạo nên chỉ số lạm phát tăng cao ở các nước Mỹ và Anh. Bên cạnh đó, gói cứu trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ cho người lao động cũng chưa tạo được sức bật lớn để tạo ra một sức ép lớn lên tổng cầu dẫn đến lạm phát tăng cao”, TS. Chu Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Do đó, theo vị chuyên gia Đại học RMIT, lạm phát sắp tới có thể tăng, tuy nhiên có thể chỉ trong ngắn hạn do nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi sau dịch. Ông cho rằng, mục tiêu lạm phát dưới 4% của Chính phủ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Triển vọng lạm phát ổn định cũng là dự báo của các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong Báo cáo Tham vấn thường niên về Việt Nam năm 2020 được AMRO công bố mới đây. Với những triển vọng tích cực cũng như thành công nhất định trong ngăn chặn Covid-19, AMRO dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 7% vào năm 2021 và 6,8% vào năm 2022. Lạm phát được dự báo vẫn ổn định, duy trì ở mức 3,2% trong nay và năm sau./.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam