Gói hỗ trợ cần nhanh hơn nữa để tạo sức bật cho doanh nghiệp vượt khó

10:34 | 28/05/2021 Print
(TBTCVN) - Các doanh nghiệp đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, đưa ra các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm…

12

Việc ban hành các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm… đã kịp thời cổ vũ cộng đồng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, đưa ra các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm…Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN về chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua.

PV: Ông đánh giá thế nào về nội lực, khả năng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hà Nội qua các đợt dịch liên tiếp trong 2 năm vừa qua?

Ông Mạc Quốc Anh: Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực và nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, khiến các đơn hàng bị sụt giảm, sản xuất kinh doanh khó khăn. Bằng nỗ lực của mình, nhiều DN đã vượt khó thành công để duy trì hoạt động, tạo ra việc làm cho xã hội và góp phần giữ ổn định nền kinh tế.

anh
Ông Mạc Quốc Anh

Trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, hầu hết các ngành sản xuất ở Việt Nam đều chịu tổn thương do chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Tuy nhiên, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, DN Việt Nam đang có ưu thế hơn rất nhiều so với những DN cùng ngành nghề tại nước ngoài để cạnh tranh tốt hơn.

Đại dịch đi qua, nhu cầu về sản xuất lại tăng lên mặc dù sẽ chậm hơn so với thời điểm trước dịch bệnh. Những DN đã tham gia và đảm bảo được tiêu chuẩn đặt ra trong chuỗi cung ứng quốc tế vẫn sẽ có được đơn hàng của đối tác.

Dự báo trong năm 2021, với tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát ở Việt Nam và trên thế giới, sản xuất toàn cầu sẽ trở lại. Để chuẩn bị cho giai đoạn đó, trong thời gian qua, các công ty đã tập trung đầu tư máy móc, nhân sự, đào tạo để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. DN khi đạt được quy chuẩn đó, không chỉ thị trường trong nước mà ngay tại nước ngoài cũng thuận lợi hơn rất nhiều trong tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN, tập đoàn nước ngoài.

Thời điểm sau dịch cũng là thời điểm nhiều DN, nhà sản xuất thay đổi hành vi kinh doanh, bán hàng. Do vậy, thời gian tới, các công ty cũng sẽ đẩy mạnh việc sử dụng thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, đào tạo kỹ năng cho người lao động bước vào cuộc chơi mới này. Chuyển đổi số là mục tiêu quan trọng của các DN trong giai đoạn tới.

PV: Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, hỗ trợ DN, thời gian qua Chính phủ đã có các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội… Các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho DN đã được các DN Hà Nội tiếp cận như thế nào? Qua các đợt dịch, hiệu quả của các gói hỗ trợ này đối với DN ra sao?

Ông Mạc Quốc Anh: Các DN đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm… Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam.

Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid-19 được các DN đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Có thể nói, việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách ban hành để đáp ứng với trạng thái khẩn cấp nhưng đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”.

Ví dụ, các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN… Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

PV: Như vậy các chính sách được đánh giá là hữu ích nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế. Để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ DN trong thời gian tới, theo ông cần có các giải pháp gì?

Ông Mạc Quốc Anh: Các gói hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết nhưng DN kỳ vọng sự hỗ trợ này phải triển khai càng nhanh càng tốt, đến tay DN để tạo sức bật cho DN vượt khó.

Song song với đó, các cấp ngành phải cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận… để các khoản hỗ trợ sớm đến được tay các DN. Thêm vào đó, phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể. Đặc biệt cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách…

PV: Xin cảm ơn ông!

Định hướng trong năm 2021, các công ty sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, các đơn vị rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo thuận lợi cho DN trong vay vốn, thuê đất, tập trung nguồn lực cho phát triển, từ đó thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Khánh Linh (thực hiện)

Khánh Linh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam