Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là rất cần thiết

20:54 | 24/05/2021 Print
Theo bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là rất cần thiết để sửa những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.

tra vinh

Mở rộng diện bao phủ BHXH để nhiều người dân có cơ hội tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH. Ảnh: BHXH tỉnh Trà Vinh

Nhiều bất cập bộc lộ

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) mới đây đã có dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi với đề xuất sửa đổi một số nội dung.

Trả lời phóng viên TBTCVN khi bình luận về đề xuất sửa đổi này, bà Đinh Thị Thu Hiền cho biết, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH đưa ra mục tiêu: “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”.

Để triển khai Nghị quyết số 28/NQ-TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP, trong đó giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật BHXH số 58/2014/QH13. Theo bà Đinh Thị Thu Hiền, việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH 2014 là rất cần thiết để sửa đổi những quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.

Tổng kết thực tiễn thi hành Luật BHXH 2014 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực tiễn thực hiện luật cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Đơn cử là diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp. Phát triển đối tượng BHXH còn dưới mức tiềm năng, còn nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. Số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm.

Những bất cập khác được nêu ra là, quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn; quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn; chính sách BHXH hiện hành thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng...

Nội dung sửa đổi bám sát với mục tiêu cải cách chính sách

Theo bà Đinh Thị Thu Hiền, các nội dung đề xuất xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) của Bộ LĐ-TB&XH đã bám sát với mục tiêu cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong đó, đã khắc phục được những bất cập của chính sách hiện hành, với nhiều nội dung lớn đáng chú ý.

Cụ thể, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã mở rộng diện bao phủ BHXH để nhiều người dân có cơ hội tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đã sửa đổi đảm bảo nguyên tắc chia sẻ theo nghĩa rộng được thực hiện. Theo bà Hiền, hiện nay tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí được thiết kế tập trung về nguyên tắc đóng - hưởng, chưa thể hiện rõ nét nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về lương hưu giữa các nhóm lao động.

Tiếp đó, quy định hiện hành về điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu được hưởng lương hưu không còn phù hợp dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn, vì vậy điều chỉnh quy định này cho phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.

Bà Hiền cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2020, mỗi năm bình quân có khoảng 700 nghìn người hưởng BHXH một lần trong khi số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ gần 600 nghìn người; tức là cứ có người mới tham gia vào BHXH thì có ít nhất 1 người rời khỏi hệ thống. Số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm đặt áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH và đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong tương lai.

Một nội dung đáng chú ý khác, theo quy định của Luật BHXH 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội thì điều kiện hưởng BHXH một lần hiện nay chưa quán triệt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH như Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đặt ra.

Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. Như vậy, người lao động hàng tháng chỉ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương tháng, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH một lần sẽ tạo ra lầm tưởng về lợi ích kinh tế của người lao động, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.

Do đó, sửa đổi điều này được đề xuất theo hướng điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp. Trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn./.

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam