Mặt bằng lãi suất ngân hàng: Giằng co tăng hay giảm?

19:22 | 23/05/2021 Print
(TBTCVN) - Mặt bằng lãi suất cơ bản vẫn giữ được sự bình ổn từ đầu năm tới nay. Xu hướng lãi suất vẫn chưa lộ rõ chiều hướng tăng hay giảm trong thời gian tới.

nh

Lãi suất có thể nhích tăng trong nửa cuối năm khi cầu tín dụng tốt lên.

Mục tiêu duy trì nền tảng lãi suất thấp sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước duy trì để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng tính thị trường có thể kéo lãi suất tăng trong nửa cuối năm, khi cầu tín dụng của nền kinh tế tốt lên.

Lãi suất vẫn hạ nhiệt trong quý II này

Trong những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt giúp kinh tế trong nước nhanh chóng hồi phục trở lại. Theo đó, trong quý đầu năm nhu cầu tín dụng tăng cao, đạt 2,93%, cao hơn nhiều so với mức 1,3% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) của các ngân hàng niêm yết cũng tăng lên 78,3%, tương đương mức bình quân của năm 2019.

Sự tăng mạnh của tín dụng phần nào gây áp lực lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn đều có sự gia tăng trong tháng 4, mặc dù vậy mức lãi suất hiện tại nhìn chung vẫn ở mức thấp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 22/4/2021, tín dụng và huy động tăng lần lượt là 3,61% và 2,32% so với cuối năm 2020. Mặc dù vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng nhưng tăng trưởng huy động đã cao hơn khá nhiều so với mức 0,54% tại ngày 19/3/2021, chênh lệch huy động – tín dụng mở rộng hơn so với cuối tháng 3.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái ổn định giúp diễn biến hoạt động thị trường mở trầm lắng. Tuy nhiên, tín dụng trong 4 tháng đầu năm tăng mạnh hơn nhiều so với huy động vốn, đặc biệt là trong tháng đã tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Chuyên gia KBSV cho biết thêm, diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong tháng 5 duy trì ở mức cao (khoảng 0,1% -1% cho lãi suất qua đêm) do chênh lệch tín dụng – huy động bị nới rộng trong 4 tháng đầu năm vẫn tạo áp lực ngắn hạn trong đầu tháng 5. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh gần đây sẽ khiến cầu tín dụng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, dòng tiền VND thông qua kênh giao dịch mua ngoại tệ sẽ quay trở lại vào cuối tháng 6 – đầu tháng 7 sẽ cung cấp một lượng thanh khoản tiền đồng cho hệ thống ngân hàng. “Điều này sẽ khiến mặt bằng lãi suất ngân hàng hạ nhiệt trở lại trong giai đoạn cuối quý II” – chuyên gia KBSV nhấn mạnh.

Sẽ nhích tăng vào cuối năm?

Dự báo của chuyên gia SSI Research cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng, nhưng có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021.

Nhận định về xu hướng của lãi suất, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt cho rằng, lãi suất tăng trở lại khi kinh tế hồi phục là một xu hướng tất yếu. “Mặc dù vậy chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn được giữ ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2021, để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại. Nhưng mặt bằng lãi suất dự báo sẽ có sự nhích lên trong nửa cuối năm 2021” – chuyên gia TVSI nói.

Mặc dù vậy, ở một góc nhìn khác, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) lại cho hay, Ngân hàng Nhà nước duy trì định hướng tăng trưởng tín dụng chung cho năm 2021 là 12%, tăng trưởng hợp lý với nâng cao chất lượng tín dụng gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

“Giai đoạn này, thông điệp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thể hiện sự nhất quán, kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản và định hướng chung vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Chính sách điều hành ổn định ít biến động trong giai đoạn này được xem là điểm sáng. Chính vì vậy, VCBS đánh giá lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây” – chuyên gia VCBS dự báo.

Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm

“Giai đoạn này, thông điệp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thể hiện sự nhất quán, kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản và định hướng chung vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Chính sách điều hành ổn định ít biến động trong giai đoạn này được xem là điểm sáng. Chính vì vậy, VCBS đánh giá lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây” – chuyên gia VCBS dự báo.

Hải Băng

Hải Băng

© Thời báo Tài chính Việt Nam