Cần bóc tách hoạt động thanh toán và bảo lãnh cấp tín dụng

19:25 | 14/05/2021 Print
(TBTCVN) - Thư tín dụng bao gồm cả dịch vụ bảo lãnh cấp tín dụng (không thuộc đối tượng chịu thuế) và dịch vụ thanh toán (thuộc đối tượng chịu thuế), vì vậy cần phải bóc tách được hai dịch vụ này để xác định tính thuế.

nh

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc tính thuế giá trị gia tăng với các khoản phí dịch vụ thu từ hoạt động thư tín dụng.

Luật Thuế giá trị gia tăng từ khi ra đời đến nay không đánh thuế với hoạt động cấp tín dụng như cho vay, bảo lãnh… để khuyến khích thu hút vốn cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thư tín dụng bao gồm cả dịch vụ bảo lãnh cấp tín dụng (không thuộc đối tượng chịu thuế) và dịch vụ thanh toán (thuộc đối tượng chịu thuế) vì vậy cần phải bóc tách được hai dịch vụ này để xác định tính thuế.

Chính sách thuế giá trị gia tăng không thay đổi

Gần đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cùng một số ngân hàng có ý kiến về Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 1606/TCT-DNL liên quan đến việc tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) với các khoản phí dịch vụ thu từ hoạt động thư tín dụng (L/C) của các ngân hàng, từ thời điểm Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 có hiệu lực. Theo VNBA, việc tính thuế này “không phù hợp quy định pháp luật chuyên ngành, không phù hợp thông lệ quốc tế”, “gây gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp”…

Trao đổi về vấn đề này tại cuộc tọa đàm mới đây do VNBA và VCCI tổ chức, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) khẳng định, chính sách thuế lâu nay không có thay đổi trong lĩnh vực này. Từ khi xây dựng Luật Thuế GTGT đến nay, quan điểm nhất quán là không thu thuế với các hoạt động huy động, cung cấp vốn cho thị trường, nhằm khuyến khích thu hút dòng vốn cho phát triển kinh tế. Do đó, qua các lần sửa đổi, luật vẫn quy định dịch vụ cấp tín dụng không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, bao gồm cả việc cho vay và bảo lãnh.

Trong khi đó, theo Luật về các TCTD năm 2010, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản quy định rõ bao gồm “thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng”. Như vậy, theo luật chuyên ngành, L/C là dịch vụ thanh toán, không phải cấp tín dụng và thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Trên thực tế, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, từ những năm 2010, nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có quản trị tốt đã phân định rõ trong cung cấp dịch vụ, dịch vụ nào là tín dụng, bảo lãnh… thì không áp thuế GTGT, dịch vụ chỉ đơn thuần về thanh toán, phát hành thì áp thuế GTGT.

Chuyên gia ngành Thuế cũng giải thích sở dĩ năm 2020, Tổng cục Thuế có Công văn 1606 là do trong quá trình quản lý, các cơ quan thuế địa phương nhận thấy giữa các ngân hàng, các địa phương lại có cách làm khác nhau về vấn đề tính thuế GTGT với hoạt động L/C. Qua rà soát, cơ quan thuế nhận thấy cách hiểu cũng như các quy định pháp luật chưa rõ ràng; tham khảo ý kiến cơ quan chuyên ngành là Ngân hàng Nhà nước cũng có ý kiến khác nhau giữa các đơn vị.

Do đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cơ quan thuế rà soát và hướng dẫn các ngân hàng thực hiện đúng quy định pháp luật. Hiện nay, với sự phối hợp tích cực của VNBA cũng như các ngân hàng, cơ quan thuế đang cùng với các ngân hàng kiểm tra, rà soát hệ thống, để tách bạch hoạt động L/C gắn với tín dụng và L/C gắn với dịch vụ thanh toán thì kê khai nộp thuế.

Bóc tách rõ dịch vụ tín dụng và thanh toán trong L/C

Từ góc độ chuyên gia, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, phân tích từ năm 1958, pháp luật đã quy định thư tín dụng hay tín dụng chứng từ hay L/C, là một trong 6 phương thức thanh toán. Luật Các TCTD năm 2010 cũng quy định thư tín dụng là dịch vụ thanh toán.

Về tổng quan, L/C là một nghiệp vụ thanh toán, bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, trong đó, riêng việc mở L/C thì lại là một nghiệp vụ cấp tín dụng. Như vậy, L/C bao gồm cả dịch vụ bảo lãnh cấp tín dụng (không thuộc đối tượng chịu thuế) và dịch vụ thanh toán (thuộc đối tượng chịu thuế). Do đó, cần phải được tách bạch để xử lý thì mới đúng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và pháp luật thuế. “Cần bóc tách riêng từng khoản để áp và không áp thuế GTGT, cũng giống như việc không thu thuế đối với lãi suất cho vay, nhưng vẫn thu thuế đối với doanh thu từ phí giải ngân và phí chuyển tiền vay của các TCTD để thanh toán hàng hoá, dịch vụ” - luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.

Từ phía ngân hàng, bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết các ngân hàng đến nay đã phân biệt rõ ràng giữa các khoản thu trong hình thức L/C, trong đó dịch vụ thanh toán, các cam kết không liên quan đến bảo lãnh đã được bóc tách và kê khai nộp thuế GTGT. Chỉ còn lại bảo lãnh thanh toán của ngân hàng đối với cam kết L/C nhập khẩu. Để giải quyết vấn đề này, đại diện Vietcombank đề nghị Tổng cục Thuế cho phép xác định lại rõ dịch vụ phát sinh từ bảo lãnh ngân hàng là không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, còn tất cả các dịch vụ khác liên quan sẽ chịu thuế GTGT theo quy định của pháp luật.

Lắng nghe các ý kiến này, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, trên cơ sở hiện trạng này, cần có giải pháp trên tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Đại diện Tổng cục Thuế bày tỏ sẵn sàng đối thoại, lắng nghe, chia sẻ với các ngân hàng, chuyên gia, nhà quản lý để cùng bàn bạc, hiến kế sao cho việc quản lý thu thuế được hiệu quả, đúng pháp luật.

Các quy định của luật


Điểm a, khoản 8, Điều 5 về “Đối tượng không chịu thuế”, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2016) quy định các dịch vụ tài chính, ngân hàng không không đối tượng chịu thuế GTGT gồm:

“Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật”.

Khoản 15, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, uỷ nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng”.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam