Lãi suất trái phiếu chính phủ: Đi ngang ngắn hạn, nhưng dài hạn giảm là xu hướng chủ đạo

11:12 | 12/05/2021 Print
(TBTCVN) - Lãi suất trái phiếu chính phủ đang có xu hướng nhích tăng nhẹ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Áp lực tăng vẫn còn, nhưng trong ngắn hạn, lãi suất trái phiếu chính phủ có thể đi ngang trong biên độ hẹp, trước lo ngại về lạm phát và tâm lý thận trọng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

nh

Một phiên bán đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội

Còn về dài hạn, dự báo xu hướng giảm sẽ chiếm ưu thế chủ đạo trên thị trường, khi nhiều yếu tố quan trọng vẫn được hậu thuẫn.

Lãi suất trái phiếu chính phủ nhích tăng

Số liệu thống kê có thấy, tính từ đầu năm tới hết tuần đầu tháng 5/2021, trên thị trường trái phiếu chính phủ đã huy động thành công hơn 65.514 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu có chiều hướng nhích tăng trong vài tháng trở lại đây.

b11

Tính hết quý I/2021, trên sơ cấp, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 15 năm và 20 năm đã thu hẹp đà giảm. Trong khi, lãi suất trái phiếu kỳ hạn kỳ hạn 10 năm và 30 năm đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt tăng +12 điểm cơ bản (bps) và +5 bps.

Sang tháng 4/2021, lãi suất trái phiếu huy động tiếp tục nhích tăng. Ngoại trừ, kỳ hạn 20 năm và 30 năm giữ nguyên so với tháng 3, thì các kỳ hạn khác đều tăng: kỳ hạn 5 năm đạt 1,16% (+06 bps); 10 năm đạt 2,36% (+09 bps); 15 năm 2,56% (+08 bps).

Mới đây nhất, thống kê trong tuần đầu tiên của tháng 5, lãi suất trái phiếu chính phủ trúng thầu giữ nguyên ở kỳ hạn 7 năm và nhích tăng +1 đến +2 bps ở các kỳ hạn còn lại.

Trên thị trường thứ cấp, lãi suất giao dịch trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm trong nửa đầu tháng 1 nhưng tăng trở lại trong thời gian còn lại của quý I/2021. Sang tháng 4/2021, áp lực tăng nhẹ được ghi nhận tại kỳ hạn ngắn, trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn dài giảm nhẹ so với tháng 3.

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lãi suất giao dịch trái phiếu các kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt kết thúc tháng 4 ở: 0,177%/năm; 0,273%/năm; 0,838%/năm; 0,505%/năm; 1,17%/năm; 1,454%/năm; 2,424%; 2,625%/năm; 2,999%/năm và 3,205%/năm. Như vậy, so với tháng 3, lãi suất giao dịch trái phiếu các kỳ hạn trên lần lượt tăng +8,6 bps; +20,7 bps; +17,8 bps; +9,5 bps; +1,2 bps; +1,8 bps; -6,2 bps; -3 bps; -1,1 bps và -7,5 bps.

Lý giải về diễn biến này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đã đưa ra 3 nguyên nhân khiến lãi suất trái phiếu chính phủ trong nước nhích tăng. Cụ thể là do: Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi tốt hơn kỳ vọng kéo theo lo ngại về sự thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương vốn đang trong trạng thái nới lỏng. Giá cả hàng hóa tăng tạo ra lạm phát kỳ vọng trong năm 2021. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu đã giảm khá mạnh trong một khoảng thời gian dài trước đó, bởi vậy tâm lý nhà đầu tư khá nhạy cảm trước yếu tố tiềm ẩn có thể thay đổi sự ổn định vĩ mô.

Xu hướng giảm vẫn sẽ chiếm ưu thế

Các chuyên gia của VCBS cho rằng, trong ngắn hạn, lãi suất trái phiếu có thể đi ngang trong biên độ hẹp trước lo ngại về lạm phát và tâm lý thận trọng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, xu hướng giảm sẽ chiếm ưu thế chủ đạo trên thị trường. “Áp lực giảm sẽ hiện hữu trên thị trường trái phiếu với một số thông tin hỗ trợ không thay đổi” – chuyên gia VCBS nhấn mạnh.

Theo lý giải của các chuyên gia này, xu hướng giảm lãi suất trái phiếu sẽ được hậu thuẫn từ nhiều yếu tố khác nhau cả trong và ngoài nước. Theo đó, đối với ngoài nước, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, kéo theo xu hướng tăng giá của các tài sản. Trong nước, người dân giữ vững niềm tin Việt Nam sẽ một lần nữa thành công đẩy lùi và ngăn chặn dịch bệnh. Đồng thời, lạm phát vẫn trong khả năng kiểm soát, thậm chí lạm phát tháng tới nhiều khả năng giảm nhẹ do sức tiêu dùng phần nào bị tác động bởi làn sóng dịch mới xâm nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng được kỳ vọng dồi dào sẽ ủng hộ cho chiều hướng giảm của lãi suất trái phiếu.

“Chúng tôi đánh giá lãi suất trái phiếu có thể đi ngang hoặc bật tăng nhẹ ngắn hạn trong tháng, tuy nhiên, xu hướng giảm vẫn sẽ chiếm ưu thế chủ đạo trong dài hạn” – các chuyên gia của VCBS cho hay.

Còn theo các chuyên gia của SSI Research, lượng phát hành trái phiếu chính phủ trong tháng 4 mới chỉ hoàn thành 26% kế hoạch phát hành quý II, nên lượng gọi thầu của Kho bạc Nhà nước trong tháng 5 và tháng 6 được kỳ vọng khá cao.

Tuy nhiên, đây cũng là 2 tháng trái phiếu chính phủ đáo hạn nhiều nhất trong năm 2021 nên nhu cầu tái đầu tư cũng lớn. Bởi vậy, lãi suất trái phiếu chính phủ nhiều khả năng sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam