Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Nên khởi động lại quy định hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần

10:49 | 12/05/2021 Print
(TBTCVN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với nhiều quy định mới, trong đó có điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

bh

Chi trả lương hưu tại nhà ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, nên khởi động lại quy định hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần nhằm đảm bảo an sinh cho người lao động sau độ tuổi nghỉ hưu.

Nhận bảo hiểm xã hội một lần vừa thiệt ta, thiệt người

Việc hạn chế nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được quy định tại Điều 60 của Luật BHXH 2014. Tuy nhiên, Điều 60 chưa thực hiện được vì công nhân tại một số địa phương phản ứng. Chính phủ sau đó phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định này theo hướng để người lao động (NLĐ) tự chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Theo đó, điều kiện hưởng BHXH một lần được cho là khá dễ dàng khi quy định: Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH, NLĐ có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó nhân với mức bình quân tiền lương đóng BHXH.

Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía NLĐ, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH một lần được xem như là có lãi. Ngoài ra, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến NLĐ mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm (giai đoạn 2016 - 2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%). Người hưởng BHXH một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước; trong đó, độ tuổi có số người nghỉ hưởng BHXH một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi. Đáng lo ngại, số liệu thống kê mới nhất của cơ quan này cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh. Cụ thể, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều lao động mất việc làm do đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020 đến nay đã đủ điều kiện hưởng, dẫn tới số người hưởng BHXH một lần những tháng đầu năm gia tăng đột biến.

Phân tích cho thấy, việc nhận BHXH một lần không chỉ làm ảnh hưởng tới an sinh xã hội khi về già của chính bản thân NLĐ, bởi họ đã “tiêu của để dành khi còn trẻ” mà còn ảnh hưởng tới cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Hệ thống hưu trí Việt Nam được thiết kế theo cơ chế tài chính thực thanh - thực chi. Điều này có nghĩa là người đang tham gia hiện nay sẽ đóng tiền, quỹ BHXH sẽ sử dụng số tiền đó để chi trả cho những người đã về hưu và sau này người đóng góp (NLĐ tham gia) hiện nay về hưu thì lương hưu của họ sẽ được trả từ nguồn đóng của những lao động trong tương lai. Mức hưởng được điều chỉnh dựa trên mức đóng và thời gian đóng. Thiết kế này thể hiện rõ tính chia sẻ trong hệ thống BHXH. Do đó, việc nhiều người hưởng BHXH một lần và ra khỏi hệ thống BHXH sẽ gây ảnh hưởng tới “lưới an sinh xã hội” nói chung cho những người tham gia BHXH.

Khởi động lại quy định trong điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội

Trước những hệ lụy từ hưởng BHXH một lần, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải siết lại quy định hưởng BHXH một lần. Trong tờ trình dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) đề xuất, điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với NLĐ khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp. Trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn. Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm và hướng tới 10 năm, với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Góp ý cho vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, khi sửa Luật BHXH, nên khởi động lại quy định hạn chế nhận BHXH một lần. Theo đó, trong phần đóng vào quỹ BHXH (NLĐ 8%, chủ sử dụng lao động 18%) thì NLĐ có thể rút 8% đã đóng; phần còn lại do doanh nghiệp đóng sẽ giữ lại trong quỹ BHXH để sau này chi trả khi họ đến tuổi hưu.

Chính sách cần nhìn đến đoạn họ không còn làm việc được nữa, ốm đau, bệnh tật, không có lương hưu, Nhà nước sẽ phải chi trả bằng trợ cấp xã hội.

Mức trợ cấp xã hội hiện hành vài trăm nghìn đồng nhìn có vẻ ít, nhưng hàng triệu người dồn lại là gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước; chưa kể trên 60% người già Việt Nam hiện không có lương hưu.

Trước việc người dân lo ngại dự thảo mới sẽ làm khó việc nhận BHXH một lần, TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, lo ngại này là không đáng vì chính sách BHXH một lần không mất được. Ví như, người ốm đau bệnh tật, di chuyển ra nước ngoài... không tham gia được nữa thì bắt buộc phải được giải quyết. Nhóm đối tượng nhận BHXH một lần là nhóm đặc thù, cần thiết.

Tương quan giữa số người đóng và hưởng bảo hiểm xã hội có xu hướng ngày càng giảm

Theo thống kê của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong khi hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng bình quân 70,1%. Bên cạnh đó, tương quan giữa số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm. Năm 1996, cứ có 217 người đang đóng BHXH thì chỉ có 1 người đang hưởng chế độ hưu trí; 10 năm sau, năm 2006 tỷ lệ này là 12,6/1; đến năm 2017 là 8,2/1 và đến năm 2020 là 7,7/1. Tỷ lệ số chi trên số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian qua đang có xu hướng tăng lên.

Hà My

Hà My

© Thời báo Tài chính Việt Nam