Thêm nhiều quy định mới về trích lập dự phòng, xử lý rủi ro

10:35 | 10/05/2021 Print
(TBTCVN) - Sau 8 năm triển khai, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sửa đổi Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) về phân loại tài sản có và trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

nh

Các quy định mới trong thông tư thay thế Thông tư 02 sẽ tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng.

Trong đó, bổ sung một số quy định như yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro các tài sản như chứng khoán, áp dụng thống nhất chính sách dự phòng rủi ro, phân loại nợ và trích lập dự phòng thường xuyên hơn…

Trích lập dự phòng rủi ro với các loại chứng khoán

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc sửa đổi xuất phát từ thực tiễn triển khai quy định tại Thông tư 02 trong những năm qua, NHNN nhận được nhiều ý kiến của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (các ngân hàng) về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như phản ánh của các đơn vị về những bất cấp giữa quy định tại Thông tư 02 và các quy định của pháp luật có liên quan. Hơn nữa, căn cứ, cơ sở xây dựng Thông tư 02 qua 8 năm đều đã được sửa đổi, bổ sung.

Về cơ bản, nhiều quy định chính của Thông tư 02 được giữ lại trong dự thảo thông tư mới. Tuy nhiên, NHNN có sửa đổi, bổ sung thêm một số điểm, trong đó có liên quan đến quy định của Bộ Tài chính về tài sản đảm bảo là các chứng khoán…

Cụ thể, dự thảo thông tư bổ sung vào phạm vi điều chỉnh quy định yêu cầu các ngân hàng phân loại, trích lập dự phòng rủi ro đối với tài sản có phát sinh từ các hoạt động: mua, bán nợ; mua bán lại trái phiếu chính phủ trên thị trường chứng khoán; mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các ngân hàng; mua hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo thông tư bỏ quy định về điều kiện cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng nước ngoài trong phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng, để đảm bảo áp dụng thống nhất giữa các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong quy định về phân loại nợ, dự thảo thông tư bỏ quy định phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn trong các trường hợp: xảy ra các biến động bất lợi trong môi trường, lĩnh vực kinh doanh tác động tiêu cực trực tiếp đến khả năng trả nợ của khách hàng (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, môi trường kinh tế).

Theo NHNN, việc bỏ nội dung này là do khó có thể quy định cụ thể dẫn đến không thống nhất trong thực hiện, khó thanh tra, giám sát. Trường hợp các biến động bất lợi trong môi trường, lĩnh vực kinh doanh tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng thì đã được phản ánh vào khả năng trả nợ của từng khách hàng cụ thể. Thay vào đó, ngân hàng căn cứ các chỉ tiêu về khả năng sinh lời, khả năng thanh toán, tỷ lệ nợ trên vốn, dòng tiền, khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm liên tục hoặc có biến động lớn theo chiều hướng suy giảm qua 3 lần đánh giá, phân loại nợ liên tục để thực hiện phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn.

Không được thông báo cho khách hàng khi dùng dự phòng xử lý rủi ro

Về thủ tục hành chính, dự thảo bỏ quy định NHNN chấp thuận cho ngân hàng thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo phương pháp định tính và sửa đổi, bổ sung theo hướng ngân hàng muốn thực hiện việc phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo phương pháp định tính thì gửi văn bản đăng ký thực hiện cho NHNN, trong đó phải chứng minh đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Theo quy định tại dự thảo thông tư, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là công việc nội bộ của các ngân hàng, không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ được xử lý rủi ro. Các ngân hàng không được thông báo cho khách hàng về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Sau khi xử lý rủi ro, ngân hàng phải theo dõi, có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ được xử lý rủi ro, trừ trường hợp khoản nợ sau khi xử lý rủi ro được ngân hàng bán cho tổ chức, cá nhân, thu được đầy đủ tiền bán theo hợp đồng mua bán nợ và bên mua nợ không có quyền truy đòi ngân hàng.

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng giữ nguyên quy định cũ là “sau thời gian tối thiểu 5 năm, kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp của hội đồng xử lý rủi ro để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, các ngân hàng được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng”. Ngoài ra, dự thảo thông tư lần này còn bổ sung nội dung: “phải theo dõi trong hệ thống quản trị của ngân hàng và trình bày trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ, trừ các khoản nợ mà khách hàng là pháp nhân đã phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật và sau khi thanh lý, xử lý toàn bộ tài sản hoặc khách hàng là cá nhân chết mà người thừa kế không nhận nợ theo quy định của pháp luật, hoặc khách hàng là cá nhân bị tuyên bố mất tích theo quyết định của tòa án”.

Phân loại nợ mỗi tháng một lần

Đặc biệt, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thời điểm ngân hàng tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng từ mỗi quý thành mỗi tháng một lần. Đồng thời, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng bổ sung nguyên tắc để ngân hàng điều chỉnh kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng sau khi nhận được tổng hợp danh sách khách hàng của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Căn cứ kết quả phân loại nợ theo hàng tháng, các ngân hàng phải trích lập đủ số tiền dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và để tự phân loại nợ cho kỳ tiếp theo.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam