Thêm kênh quan trọng tạo vốn dài hạn cho phát triển kinh tế

10:21 | 05/05/2021 Print
(TBTCVN) - Bên cạnh việc cải cách các chương trình hưu trí bắt buộc, sự hình thành và phát triển các chương trình hưu trí tự nguyện là một giải pháp có tính chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

11

Bộ Tài chính đã chính thức cấp phép cho Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên ra đời tại Việt Nam Nam. Bên cạnh việc cải cách các chương trình hưu trí bắt buộc, sự hình thành và phát triển các chương trình hưu trí tự nguyện là một giải pháp có tính chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Việc triển khai chương trình hưu trí tự nguyện cũng sẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn và thông qua thị trường, nguồn vốn này sẽ được đầu tư trở lại nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội.

Sản phẩm đầu tư tài chính dài hạn, an toàn

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính), trong bối cảnh cơ cấu dân số Việt Nam sắp bước sang giai đoạn già hóa dân số, đối tượng hưởng chế độ lương hưu tăng cao hơn so với đối tượng đóng góp vào bảo hiểm xã hội, cần có các giải pháp khuyến khích phát triển các chương trình hưu trí tự nguyện để giảm bớt gánh nặng chi trả của Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, bổ sung thu nhập cho người lao động khi đến tuổi về hưu. Cùng với tình hình kinh tế ngày càng phát triển ổn định, tỷ lệ tích lũy của người dân có xu hướng tăng đang tạo ra nhiều dư địa cho việc phát triển Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện ở Việt Nam.

Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2014, Bộ Tài chính đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, với 2 sản phẩm là: Bảo hiểm hưu trí tự nguyện và Quỹ hưu trí tự nguyện. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua hình thành quỹ hưu trí tự nguyện, bên cạnh sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện được triển khai từ năm 2013. “Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn chế độ báo cáo hoạt động quản lý quỹ hưu trí, báo cáo quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện tại doanh nghiệp” – ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết thêm.

Quỹ hưu trí tự nguyện đã được phát triển rộng rãi tại các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là các nước có tình trạng già hóa dân số, nhằm bổ sung thu nhập cho người dân khi đến tuổi về hưu, tăng cường an sinh xã hội. Đây là sản phẩm tài chính với tính chất đầu tư dài hạn, an toàn cho người lao động khi tham gia. Nhà nước không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả của quỹ hưu trí; tuy nhiên, nhà nước khuyến khích phát triển chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua các chính sách ưu đãi quy định tại pháp luật về thuế và thực hiện quản lý, giám sát chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện và quỹ hưu trí thông qua việc ban hành khung khổ pháp lý đảm bảo quỹ hưu trí hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các đối tượng tham gia đóng góp quỹ.

Phúc lợi người lao động gia tăng khi tham gia

Cơ chế tổ chức và hoạt động của các quỹ hưu trí do Quỹ Dragon Capital Việt Nam thành lập tuân thủ đầy đủ quy định của Nghị định số 88/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo các quỹ hưu trí hoạt động công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tham gia chương trình. Mỗi người lao động tham gia chương trình sẽ có một tài khoản hưu trí cá nhân riêng, tài khoản này sẽ được quản trị bởi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VSD cho biết: “VSD đã đầu tư xây dựng hệ thống và hạ tầng chung cho toàn bộ các quỹ hưu trí tự nguyện. Thông qua cổng thông tin trực tuyến do VSD cung cấp, người tham gia quỹ có thể trực tiếp truy cập tài khoản hưu trí cá nhân một cách thuận tiện để quản lý thông tin, theo dõi giá trị tích lũy và hoạt động tài khoản của cá nhân hàng tháng”.

Bên cạnh VSD, Ngân hàng Standard Chartered là đơn vị độc lập giám sát hoạt động của quỹ hưu trí và toàn bộ tiền đóng góp của người tham gia quỹ để đảm bảo sự minh bạch của chương trình. Bà Michele Wee - Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, cũng chia sẻ: “Với bề dày kinh nghiệm và chuyên môn quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ quỹ, chúng tôi tự tin Standard Chartered sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của chương trình quỹ hưu trí tự nguyện và là đơn vị đồng hành đáng tin cậy của các đối tác tham gia”.

Còn theo ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, ở các quốc gia phát triển, chương trình hưu trí tự nguyện được các công ty áp dụng rộng rãi như một phần của chính sách phúc lợi, tạo cho người lao động cơ hội để tiết kiệm, ổn định khi đến tuổi về hưu. “Hy vọng sẽ có nhiều các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam cùng tham tham gia. Với chế độ phúc lợi tốt người lao động cảm thấy đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác hơn” - ông Dominic Scriven nói.

Góp phần phát triển nguồn vốn đầu tư dài hạn

“Tương tự như các quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số, việc phát triển hệ thống hưu trí đa trụ cột, đặc biệt là các chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện là xu thế tất yếu giúp củng cố sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội, khuyến khích tiết kiệm và hỗ trợ cho sự phát triển thị trường vốn.
Với việc vận hành chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên của Quỹ Dragon Capital Việt Nam, tôi mong rằng đây là những bước đi mở đường để các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện phát triển theo đúng định hướng của Chính phủ trong thời gian tới, theo đó hướng tới mục tiêu góp phần làm tốt hơn chính sách an sinh xã hội và phát triển nguồn vốn đầu tư dài hạn trên thị trường vốn, thị trường tài chính”

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính)

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam