Doanh nghiệp bảo hiểm năm 2021: Khởi sắc chặng đầu, nhiều “ông lớn” vẫn thận trọng trong cả năm

15:36 | 30/04/2021 Print
(TBTCVN) - Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 tái bùng phát lần 3, thị trường bảo hiểm và nhiều doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam vẫn cho thấy sức tăng trưởng bền bỉ trong quý đầu năm 2021.

16

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tích cực trọng quý đầu năm 2021.

Tuy nhiên, theo dự báo của một số chuyên gia, cũng như ghi nhận kế hoạch kinh doanh 2021 tại một số doanh nghiệp trong ngành, nhiều “ông lớn” đang cho thấy sự thận trọng, thậm chí không ít doanh nghiệp đặt chỉ tiêu lợi nhuận “thụt lùi” so với kết quả thực hiện năm trước.

Nhiều doanh nghiệp có lãi khởi sắc trong chặng đầu năm

Dù tiếp tục chịu sự tác động từ đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi dịch tái bùng phát tại Hải Dương và một số địa phương, tuy nhiên, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì đà tăng tích cực trong những tháng đầu năm 2021. Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến cuối quý đầu năm 2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đạt 600.818 tỷ đồng (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 100.215 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 500.603 tỷ đồng.

AUM sẽ là động lực chính
cho tăng trưởng lợi nhuận
của doanh nghiệp bảo hiểm

“Chúng tôi không kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ tương đương tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, vì các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận trong năm 2020 là thị trường cổ phiếu sôi động và tỷ lệ bồi thường cải thiện có thể không lặp lại vào năm 2021. Lãi suất bình quân năm 2021 ước tính thấp hơn mức trung bình năm 2020 từ 75 - 85 điểm cơ bản, do đó, tăng trưởng thu nhập tài chính sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc mở rộng tài sản quản lý (AUM)” - SSI Research nhận định.

Dù chưa có thống kê tổng thể của tất cả các DNBH trong ngành, tuy nhiên, qua kết quả bước đầu được các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán công bố, nhiều DNBH ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu năm. Đồng thời, nhiều DNBH cũng tự tin đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng khá ấn tượng. Đây là những nỗ lực lớn của các DNBH bất chấp dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều địa phương trong giai đoạn đầu năm.

Ghi nhận tại Bảo hiểm PVI, kết thúc quý I/2021, PVI đạt tổng doanh thu 2.893,7 tỷ đồng, hoàn thành 112,7% kế hoạch quý I, tăng trưởng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế quý I của Bảo hiểm PVI là 174,4 tỷ đồng, hoàn thành 114,8% kế hoạch quý và tăng trưởng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả khả quan ngay từ quý I, mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng năm 2021 được ban lãnh đạo Bảo hiểm PVI kỳ vọng sẽ hoàn thành trước kế hoạch.

Ghi nhận tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), mặc dù giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang còn dư chấn của Covid-19, MIC vẫn kiên định mục tiêu doanh thu 2021 tăng tưởng từ 35% đến 40%, đạt vị trí Top 5 về thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, lợi nhuận đạt 360 tỷ đồng, tăng trưởng 49% so với năm 2020. Theo ước tính sơ bộ về kinh doanh, MIC ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc 3 tháng đầu năm 2021 đạt tới 14,4% - tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, so với tốc độ tăng bình quân chỉ 6% của thị trường giai đoạn này. Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 47 tỷ đồng, tăng 27,59% so với cùng kỳ.

Hay tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, theo cáo cáo tài chính quý I/2021 do công ty công bố, dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm (giảm hơn 93 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận sau thuế quý I năm nay cũng tăng trưởng rất mạnh, đạt hơn 70,1 tỷ đồng, tăng trên 70% so với con số cùng kỳ năm 2020 (hơn 40,9 tỷ đồng).

Rủi ro còn hiện hữu

Đánh giá về những rủi ro trong năm 2021, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh tác động hiện hữu từ đại dịch Covid lên nền kinh tế, doanh nghiệp và đời sống người dân khiến nhu cầu bảo hiểm giảm sút, thì môi trường lãi suất thấp kéo dài cũng sẽ “níu chân” sự tăng trưởng của các DNBH.

Theo chuyên gia của SSI Research, môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các DNBH, vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ - ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.

Bên cạnh đó, “trong những năm gần đây, các DNBH Việt Nam thua lỗ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, đã khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm. Chúng tôi tin rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn. Hậu quả quan trọng của việc này là các DNBH có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời, ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ” – chuyên gia của SSI Research cho biết thêm.

Trên thực tế, qua ghi nhận của phóng viên, nhiều DNBH cũng tỏ ra thận trọng hơn khi đề ra kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận năm 2021.

Chẳng hạn như, tại Tổng công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), công ty này phấn đấu đạt 2.830 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ (tăng trưởng 10,5% so với năm 2020), nhưng chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất trước thuế lại giảm rất mạnh. Theo đó, theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niêm năm 2021, BIC chỉ đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 292 tỷ đồng. Con số này dù vẫn cao hơn con số kế hoạch của năm 2020 là 241 tỷ đồng, nhưng thấp hơn 22% so với con số thực hiện của năm 2020 (hơn 375 tỷ đồng). Đây là con số kế hoạch lợi nhuận khá thận trọng của BIC trong năm 2021, khi mà trong năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế thực hiện của công ty này tăng tới 55,7% so với kế hoạch đề ra.

Hay tại Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI), qua tài liệu cung cấp phục vụ Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, con số lợi nhuận trước thuế và sau thuế thực hiện năm 2020 đều tăng trưởng rất ấn tượng, lần lượt đạt hơn 304,6 tỷ đồng và 250,1 tỷ đồng, đạt tới 190,1% và 194,3% so với kế hoạch đề năm 2020 (160,3 tỷ đồng và hơn 128,7 tỷ đồng). Cũng theo tài liệu này, năm 2021, PTI đặt mục tiêu doanh thu 6.600 tỷ đồng, tăng 9,2% so với kết quả thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế giảm mạnh, lần lượt là 260 tỷ đồng và 208 tỷ đồng, giảm tới 14,7% và 16,9% so với con số thực hiện năm 2020.

Còn tại Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, PJICO đặt mục tiêu tổng doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.565 tỷ đồng (không bao gồm doanh thu bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67), chỉ tăng nhẹ khoảng 1,9% so với số thực hiện năm 2020 (3.498 tỷ đồng). Trong khi đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 202 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng so với con số thực hiện năm 2020 (217 tỷ đồng).

Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tốt hơn trong năm 2021

Nhận định về thị trường bảo hiểm, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, tăng trưởng doanh thu phí sẽ tốt hơn trong năm 2021. Theo đó, các chuyên gia này kỳ vọng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao hơn vào năm 2021 đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ lần lượt là 22% và 10 - 12% so với cùng kỳ.

“Nhu cầu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở mức khá và nhờ các hợp đồng bán bảo hiểm qua ngân hàng độc quyền mới được ký kết, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) sẽ có thể phục hồi về mức trước Covid, thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, kinh tế phục hồi thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ. Cụ thể, kinh tế phục hồi, kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ quay trở lại mức 6,5% vào năm 2021; do đó, bảo hiểm hàng hóa, hàng không, du lịch và bảo hiểm bảo an tín dụng sẽ có thể đạt được mức tăng trưởng trước Covid” – các chuyên gia của SSI Research lý giải.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam